Top 10 tựa game đã thay đổi hoàn toàn bộ mặt các thể loại game

Một món ăn mà ăn hoài thì nó cũng ngán, game cũng giống vậy. Dần dần rồi thì game cũng đi vào lối mòn, không còn đột phá, và mọi thứ trở nên quá quen thuộc với người chơi nên họ đâm ra nhàm chán. Nhà phát triển biết điều này và họ cũng đã cố gắng thay đổi những gì có thể trong những game mà họ làm ra.

Tréo ngoe một cái là không phải lúc nào những thay đổi đó cũng thành công. Có những game thất bại thảm hại, có những game ban đầu thu hút được người chơi, nhưng đó chỉ là vỏ bọc bên ngoài chứ nội dung bên trong lại không có gì để giữ chân game thủ lại.

Tuy nhiên, đôi lúc nhà phát triển đã “vượt lên chính mình” để tạo ra một tuyệt tác không chỉ khiến nhiều game thủ vô cùng hài lòng mà nó còn là một cuộc cách mạng, thay đổi hoàn toàn diện mạo của thể loại game đó về sau.

Dưới đây là danh sách 10 tựa game đã làm thay đổi bộ mặt của nhiều thể loại game.

Mô phỏng – The Sims

Will Wright – nhà thiết kế đại tài của The Sims – có một khối óc vô cùng sáng tạo. Trong khi những nhà phát triển khác cố gắng tạo ra game về để tài anh hung, fantasy để giúp người chơi giải trí thì Will lại chứng minh rằng game mô phỏng cuộc sống thường nhật vẫn giải trí được như thường, có khi nó còn tốt hơn là đằng khác.

Thay vì tạo ra một cốt truyện hay hoặc nhân vật đặc sắc, Will đã quyết định loại bỏ hết tất cả các yếu tố dư thừa và những mục tiêu “kết thúc game” (end game) để tạo ra trò chơi có tính chơi lại (replayable) cao, không thể nào thua và cũng không thể nào thắng.

Từ đó, ông đã tạo ra The Sims với ngôi nhà búp bê, cho phép game thủ xây dựng, trang trí, và trú ngụ trong ngôi nhà đó. Không có quái thú hay nhiệm vụ nào cụ thể cả, chỉ cần chăm sóc những người đó để họ có một cuộc sống hạnh phúc là được.

Kết quả là The Sims không chỉ tạo ra thêm một thể loại game mới – mô phỏng đời thực – mà nó còn trở thành tựa game phổ biến nhất trên thế giới.

Chiến thuật thời gian thực – Warcraft III

Khi Blizzard giới thiệu Warcraft III, dân tình ai nấy cũng đều đổ xô đặt hàng trước (pre-order) tựa game này, giúp nó trở thành tựa game được pre-order nhiều nhất. Và Warcraft III đã không phụ lòng mong đợi của game thủ.

Game có những cảnh cutscene được dàn dựng tuyệt đẹp, và nó đã trở thành thước đo chuẩn mực cho những thế hệ game sau này; phần chiến dịch (campaign) thì cho phép bạn chơi tất cả 4 tộc trong game; và cốt truyện Warcraft III được đầu tư kĩ lưỡng đến mức không có một tựa game chiến thuật nào có thể so sánh được vào thời đó.

Hơn nữa, Warcraft III giữ chân được game thủ trong một thời gian dài là nhờ nó có mục chơi mạng (multiplayer) được điều chỉnh rất cân bằng, giúp game thủ giao chiến với nhau một cách công bằng và đồng thời mở ra cơ hội cho người chơi tùy biến bản đồ trong game. Nếu bạn nào chưa biết thì Dota ban đầu không phải là một trò riêng biệt mà nó là một bản mod của bản đồ trong Warcraft III đấy.

Kể từ Warcraft III ra đời, bộ mặt của thể loại game chiến thuật bị thay đổi hoàn toàn.

Hành động – Grand Theft Auto III

Sau sự thành công của GTA 2 thì Rockstar tiếp tục công bố phần 3 với đồ họa được chuyển sang dạng 3D thay vì là 2D top-down như trước. Mặc dù được dự đoán trước là một trái bom tấn, nhưng đâu ai lại ngờ rằng GTA III còn là một hiện tượng, tạo ra xu hướng game hành động – thế giới mở kéo dài cho đến những năm sau này.

GTA III là tựa game hành động góc nhìn thứ ba đầu tiên lấy bối cảnh trong một thành phố rộng lớn, nơi có đầy đủ xe cộ, người dân, cảnh sát, và một đống băng đảng và nhiệm vụ để làm. Đồng thời, đây cũng là game đầu tiên trong series có cốt truyện hoàn chỉnh với cutscene và lồng tiếng cho nhân vật.

Rất nhiều game thủ đã bị mê hoặc bởi trò chơi này. Cơ chế game trong phần này hay đến mức nó gần như là được giữ nguyên cho đến tận những phiên bản sau này: cướp người, làm nhiệm vụ, rồi đi “quẩy” hoặc dạo phố, thích thì cầm súng bắn sảng cho cảnh sát rượt theo cũng được. Nói chung là bạn có một cuộc sống tự do trong đây, thích làm gì thì làm.

Bắn súng góc nhìn thứ ba (TPS) – Max Payne

Mặc dù phần 2 được đánh giá cao nhất trong series, phần đầu tiên mới là nơi mà Max Payne đã khuấy đảo thể loại bắn súng góc nhìn thứ ba khi nó ra mắt vào năm 2001. Game có cốt truyện, thiết kế, và biểu cảm khuôn mặt được đầu tư chỉn chu và bài bản, giúp lôi kéo rất nhiều fan của thể loại game bắn súng hành động.

Đồ họa đẹp, kết hợp với gameplay tiết tấu nhanh và đặc biệt là khả năng làm chậm thời gian bullet-time y như trong phim Ma Trận, đã giúp Max Payne trở thành một “cơn sốt” vào thời bấy giờ. Những tựa game bắn súng hành động sau này đều áp dụng chiêu làm chậm thời gian vào game của họ bằng những cách khác nhau, nhưng ít ai biết được rằng Max Payne là game đầu tiên cho tính năng này vào game.

Nhập vai trực tuyến nhiều người chơi (MMORPG) – World of Warcraft

Nhiều người cho rằng WoW là một bước nhảy vọt trong lịch sử MMORPG, giúp kết nối hàng triệu game thủ với nhau. Blizzard rất biết cách khiến game thủ hài lòng, và WoW đã chứng minh được điều này bằng cách nhảy tót lên trên đầu bảng xếp hạng ngay khi nó vừa mới ra mắt. Thế giới Azeroth có rất nhiều câu chuyện, nhân vật, vùng đất cho game thủ tha hồ khám phá; và cứ sau mỗi bản mở rộng thì lại có thêm nhiều thứ khác để tìm hiểu.

WoW trở thành tựa game MMORPG có nhiều người chơi nhất với hơn 11 triệu người chơi online tại cùng 1 thời điểm. Với WoW, Blizzard đã sử dụng lại công thức đã giúp họ thành công với những tựa game trước: giữ lại những gì mà game thủ yêu thích, tạo thêm chiều sâu cho cốt truyện, và cuối cùng là hoàn thiện mọi thứ thêm một lần nữa.

Mặc dù có những tựa game khác cố gắng theo chân WoW, nhưng trong một thời gian dài gần như không có game nào thành công như WoW, huống hồ chi là soán ngôi nó. Bây giờ thì game ít người chơi hơn trước rồi, nhưng WoW của Blizzard vẫn tiếp tục là một chuẩn mực để đem ra so sánh với các tựa game nhập vai online thế hệ sau này.

Phiêu lưu Point-and-Click – The Walking Dead: The Telltale Series

Khi Telltake Games ra mắt The Walking Dead: The Game, thể loại phiêu lưu Point-and-Click không những được hồi sinh mà còn tạo thành một xu hướng mới khiến nhiều nhà phát triển bắt đầu làm game ăn theo.

Với những tình huống bấm nút nhanh (quick-time event – QTE) và cốt truyện phi tuyến tính, cho phép game thủ tự tạo ra phiên bản game của riêng mình, The Walking Dead: The Game là bước nhảy vọt tiếp theo trong thể loại này. QTE đã giúp game mang chất điện ảnh nhiều hơn, và việc người chơi được tự do quyết định cốt truyện sẽ diễn ra như thế nào đã giúp game có thêm màu sắc tươi mới giống như là một tựa game nhập vai AAA vậy.

Telltale còn tách game ra nhiều tập khác nhau, giúp game thủ dễ tiếp cận hơn. Và cứ sau mỗi game thì Telltale lại hoàn thiện công thức của mình hơn, đến nỗi cứ nghĩ đến thể loại phiêu lưu point-and-click là nghĩ đến Telltale Games.

Mặc dù Telltale Games đã từng đệ đơn phá sản vào năm 2018, những di sản mà họ để lại đều mang giá trị rất lớn không chỉ đối với thể loại phiêu lưu Point-and-Click nói riêng mà còn cả ngành gaming nói chung.

Platformer – Super Meat Boy

Mặc dù Mario đã khởi đầu cho thể loại này, nhưng sau đó đã có nhiều game khác tìm cách cải thiện để làm cho nó hấp dẫn hơn, tươi mới hơn. Trong đó Super Meat Boy của Team Meat đã sử dụng công thức của thể loại game platformer hardcore và nâng độ khó lên gấp 10 lần.

Chính vì game yêu cầu sự tập trung cao độ cũng như sự chính xác tuyệt đối đã khiến game thủ dán mắt vào màn hình nhiều tiếng đồng hồ. Và nó cũng chinh là thứ khiến game thủ ức chế tột độ, đến mức phải đập vỡ tay cầm và xóa luôn game.

Khâu thiết kế game được đầu tư rất tỉ mỉ. Từng cạm bẫy, từng kẻ địch trong game đều được đặt tại những vị trí then chốt được tính toán kĩ càng, biến Super Meat Boy trở thành một tựa game platformer rất khó chơi, nhưng không đến mức bất khả thi. Y như Dark Souls, bạn sẽ chết vô số lần, và sau khi hoàn thành màn chơi thì bạn còn được xem lại những pha replay để học hỏi và rút kinh nghiệm cho các màn sau.

Sau sự thành công vang dội của Super Meat Boy thì những tựa game na ná như vậy bắt đầu mọc lên như nấm, với các thể loại như retro-platformer, hardcore arcade, và thậm chí những tựa game lớn khác cũng được nâng độ khó lên, thách thức game thủ nhiều hơn. Đây là một điều rất đáng hoan nghênh, nhất là trong thời đại các game đang dần trở nên “thiện lành” hơn.

Nhập vai – The Elder Scrolls II: Daggerfall

The Elder Scrolls II: Daggerfall của Bethesda có bản đồ rộng tới 400.000km2, hơn 750.000 nhân vật NPC, và đồ họa rất ấn tượng. Mặc dù tựa game này không quá thành công về mặt doanh số nhưng nó đủ để cho ta thấy một tựa game nhập vai htế giới mở với đồ họa 3D nó hoành tráng tới mức nào. Vào năm 1996, đây là cả một hiện tượng.

Ngoài thế giới mở rộng lớn, thời gian thay đổi ngày/đêm, game còn có cưỡi ngựa và các ngục tối (dungeon) được tạo ra ngẫu nhiên. Sau khi phần 1 không mấy thành công thì Bethesda đã quyết định chơi lớn với phần 2. Thật vậy, Daggerfall là tựa game bự nhất trong series với hơn 15.000 thành phố, trị trấn, ngồi làng cho game thủ tha hồ mà khám phá. Bên cạnh đó còn có hàng trăm nhiệm vụ khác nhau, cuốn hút game thủ trong nhiều giờ liền.

Mặc dù game bị dính khá nhiều lỗi, bug, nhưng điều này vẫn không ngăn cản được game giành lấy nhiều danh hiệu và giải thưởng, trong đó có cả Game of The Year năm 1996. Tuy phần 3 Morrowind cũng thành công không kém, nhưng Daggerfall mới chính là tựa game giúp Bethesda chứng tỏ tài năng vốn có của họ.

Bắn súng góc nhìn thứ nhất (FPS) – Quake

Mặc dù Wolfenstein 3D và Doom là những tựa game đã khai sáng ra thể loại FPS, Quake mới chính là game tạo nên chuẩn mực cho những tựa game FPS sau này, trong đó có cả huyền thoại Half-Life.

Nối tiếp sự thành công vang dội của Doom, iD Software quyết định sẽ làm thêm một cuộc cách mạng nữa, và họ đã đạt được tham vọng của mình. Nói không ngoa thì đây là tựa game bắn súng FPS 3D đúng nghĩa mang tầm ảnh hưởng vĩ mô, cụ thể thì nó là “người” đã sinh ra khái niệm thể thao điện tử.

iD đã tổ chức giải thi đấu game đầu tiên với số tiền thưởng khổng lồ, chính xác là chiếc xe Ferrari của John Carmack – nhà đồng sáng lập iD Software. Ngoài ra, vào thời đó, việc cho phép người xem theo dõi trận đấu dưới góc nhìn của tuyển thủ là một thứ vô cùng mới lạ và độc đáo.

Cho đến thời điểm hiện tại, vẫn còn game thủ thường xuyên chơi trò này. Nhiêu đó đủ để thấy sức ảnh hưởng cũng như tầm quan trọng của Quake nó lớn lao đến mức nào.

Chiến thuật toàn cầu – Civilization

Vào cái thời mà game thủ chỉ có thể thắng game bằng cách đánh bại kẻ địch, Sid Meier đã chọn cách rẽ lối đi riêng. Thay vì thắng trên chiến trường, bạn có thể thắng game trên mặt trận khoa học hoặc văn hóa. Civilization (1990) đã được tạo ra dựa trên ý tưởng này, chính thức giới thiệu cơ chế chiến thắng trong hòa bình bên cạnh cách chiến thắng đẫm máu như theo truyền thống trước giờ.

Game mang phong cách gameplay giống như boardgame thể loại 4X: eXploring (khám phá), eXpanding (mở rộng), eXploiting (khai thác), và eXterminating (hủy diệt). Chính nhờ cơ chế này mà game có rất nhiều cách chơi khác nhau, và mỗi game thủ sẽ có chiến thuật của riêng mình.

Trong Civilization (và những phần sau đó), bạn sẽ cai trị một trong 14 quốc gia với nhiệm vụ là dẫn dắt người dân đi từ thời kì cổ đại sang đến năm 2100 AD (Sau Công nguyên). Trên hành trình, bạn sẽ có thể giành chiến thắng bằng cách đánh bại những người chơi khác, bằng cách thắng trận Space Race và gửi con tàu của bạn đến Alpha Centuri, hoặc đơn giản là cứ cố gắng sống sót qua từng ấy thời gian là được.

Nguồn: What Culture

Đăng ký
Thông báo về
guest

0 Bình luận
Phản hồi theo binh luận
Xem tất cả các bình luận

Tin cùng chuyên mục

Pin CMOS là gì? Pin CMOS có ảnh hưởng gì tới máy tính?

Pin CMOS này thực chất là gì? Vai trò của nó trong máy tính ra sao? Và làm thế...
0
Rất thích suy nghĩ của bạn, hãy bình luận.x