Lựa chọn FPS hay độ phân giải khi mua PC Gaming?
Nếu bạn đang phân vẫn không biết nên mua một dàn máy có màn hình độ phân giải cao hay tốc độ khung hình cao để chơi game vì lý do ngân sách hạn hẹp, bài viết sau đây sẽ giúp bạn đưa ra lựa chọn dễ dàng hơn.
Đầu tiên, bạn phải tự đặt câu hỏi trong đầu rằng mình muốn trải nghiệm game như thế nào? Đây chính là điều có tác động rất lớn đến quyết định của nhiều người khi họ mua một chiếc PC Gaming. Bởi vì không thể nói chính xác giữa tốc độ khung hình và độ phân giải thì bên nào nhỉnh hơn, mỗi cái đều có điểm mạnh riêng trong từng trường hợp.
Tốc độ khung hình
Tốc độ khung hình hay tỉ suất khung hình (frame rate) có thể hiểu là số khung hình hoàn chỉnh mà card đồ họa (VGA) gửi đến màn hình trong một thời gian nhất định và được tính bằng số khung hình trên một giây (frames per second – FPS). Phân tích kỹ hơn thì từ “khung hình” là hình ảnh kết quả sau khi bạn thực hiện một kỹ năng, chiêu thức… nào đó trong game thông qua chuột hoặc bàn phím.
Ví dụ như nếu bạn đang chơi một tựa game bắn súng, lúc bạn nhấn nút chuột để bóp cò súng thì một loạt các khung hình chuyển từ hình ảnh này sang hình ảnh tiếp theo sẽ hiển thị trên màn hình. Nếu chúng chuyển động nhanh chóng thì game thủ chắc chắn sẽ có một trải nghiệm game mượt mà cũng như được “đắm chìm” vào thế giới ảo, tuy nhiên trong trường hợp ngược lại, đây thực sự là một ác mộng đối với bất kỳ game thủ nào. Chính yêu cầu khắt khe về độ mượt mà của hình ảnh đối với một số tựa game đặc thù (game FPS) lý giải tại sao tốc độ khung hình lại trở nên quan trọng.
Khi chơi game ở tốc độ khung hình thấp, theo lý thuyết thì số khung hình trên giây xuất ra màn hình máy bạn sẽ ít hơn dẫn đến tình trạng hình ảnh bị giật lag. Trong thực tế, màn hình máy tính lúc này trông giống như đang chiều một chiếc đĩa CD xước, thậm chí còn có thể tệ hơn. Điều này khiến người chơi cực kỳ khó chịu, đặc biệt là các game thủ trải nghiệm những tựa game có nhịp độ nhanh.
Card màn hình là một trong những linh kiện quan trọng nhất quyết định FPS máy bạn cao hay thấp. Một chiếc VGA đủ mạnh sẽ giúp bạn có một mức FPS ổn định trong quá trình chơi game. Dẫu vậy, bạn vẫn có thể gặp hiện tượng giật lag cũng như tụt FPS đột ngột do card màn hình đôi khi sẽ gặp lỗi trong quá trình chuyển thông tin hình ảnh đến màn hình.
Hiện nay, FPS được chia thành 4 phân khúc FPS chính gồm 30, 60, 120, 240. Cụ thể, 30FPS xuất hiện phổ biến trên các máy cấu hình thấp, 60FPS là tốc độ lý tưởng xuất hiện hầu hết ở các PC Gaming tầm trung và 120FPS, 240FPS là hai tốc độ chỉ có thể đạt được trên các mẫu PC Gaming cao cấp. Trong đó, 30 được xem là mức FPS tối thiểu để một tựa game có thể chơi được.
Tốc độ làm tươi
Tốc độ làm tươi màn hình (refresh rate) là số lần hình ảnh trên màn hình được cập nhật trên một giây khác với FPS là số khung hình được VGA gửi đến màn hình mỗi giây. Thông số này được đo bằng đơn vị Hertz (Hz). Tốc độ làm tươi cao đồng nghĩa với việc có nhiều hình ảnh được chiếu lên màn hình hơn trong cùng một đơn vị thời gian, hay nói cách khác, có nhiều thông tin đến được với mắt của bạn trong cùng một thời điểm.
Các màn hình máy tính tiêu chuẩn cơ bản có tốc độ làm tươi là 60Hz, nhưng trên thị trường bạn cũng có thể tìm mua những màn hình có tốc độ làm tươi lớn hơn, lên đến 144Hz hoặc thậm chí là 240Hz.
Tuy nhiên tốc độ làm tươi cao chưa chắc đã khiến hình ảnh hiển thị đẹp mắt hơn và FPS cao cũng tương tự như vậy. Hai thông số này gắn liền với hai thiết bị khác nhau, FPS thì là VGA còn tốc độ làm tươi là màn hình. Nếu bạn có một chiếc card màn hình có khả năng xuất ra 300 khung hình trên giây (300FPS) nhưng màn hình chỉ có tốc độ làm tươi tối đa 60 lần một giây (60Hz) thì kết quả xuất ra trên màn hình sẽ ở mức 60 khung hình trên giây.
Vì vậy, để tận dụng được hết khả năng của những chiếc card màn hình có tốc độ khung hình cao, bạn cần trang bị một màn hình có tốc độ làm tươi đủ lớn để đi cùng với nó và tương tự trong chiều ngược lại.
Độ phân giải
Độ phân giải được hiểu là số điểm ảnh (pixel) hay mật độ điểm ảnh hiển thị trên màn hình và chúng phân bổ đều khắp màn hình cũng như được sắp thứ tự theo một số hàng và số cột nhất định. Thông số này được thể hiện bằng bằng phép nhân giữa số cột và số hàng, ví dụ như 1024×768 có nghĩa là 1024 cột pixel và 768 hàng pixel.
Hiện nay, trên thị trường thì màn hình máy tính được chia theo một số độ phân giải tiêu chuẩn như HD, Full HD, 2K và 4K. Trong đó, HD là tiêu chuẩn dành cho những màn hình có độ phân giải 1280×720 pixel và tỷ lệ khung hình 4:3, Full HD dành cho màn hình có độ phân giải 1920×1080 pixel, tỷ lệ khung hình 16:9, 2K cho màn hình có độ phân giải 2560×1440 pixel và 4K hay Ultra HD cho màn hình có độ phân giải 3840×2160 pixel hoặc 4096 x 2160 pixel. Độ phân giải là yếu tố chính quyết định độ sắc nét của mọi hình ảnh hiển thị trên màn hình, do đó, độ phân giải càng cao thì hình ảnh sẽ càng rõ nét và chi tiết hơn.
Chẳng hạn trong trường hợp hai màn hình tương đồng nhau về mọi yếu tố như kích thước, công nghệ… và chỉ khác mỗi độ phân giải, khi đó, nếu màn hình đầu tiên đang hiển thị ở độ phân giải Full HD và màn hình thứ hai ở độ phân giải 4K thì chúng ta có thể nhận thấy sự khác biệt rõ rệt về chất lượng hình ảnh. Nguyên nhân tạo nên sự khác biệt này là do chế độ Full HD chỉ có khoảng 2 triệu điểm ảnh trong khi 4K có tới 8,2 triệu điểm ảnh.
Tốc độ khung hình hay độ phân giải?
Như đã nói từ đầu, để biết nên chọn giữa FPS cao hay độ phân giải cao, bạn cần xác định rõ các tựa game mình đang chơi cần yếu tố nào hơn. Nếu bạn là một người đam mê các tựa game FPS hay thể thao điện tử (eSports) thì độ phân giải cao là điều không cần thiết, thay vào đó, tốc độ khung hình cao lại cực kỳ quan trọng vì game luôn diễn ra với tiết tấu nhanh.
Trong thực tế, các vận động viên eSports chuyên nghiệp, họ sẵn sàng giảm độ phân giải xuống mức Full HD (hoặc thậm chí thấp hơn) để có được FPS cao nhất có thể. Bên cạnh đó, để tối đa hóa FPS, những vận động viên eSports này luôn lựa chọn cho mình một màn hình có tốc độ làm tươi cao nhất cùng với một chiếc card đồ họa mạnh mẽ. Trong một game FPS, việc bạn có FPS cao hơn là một lợi thế rất lớn, bạn có thể phản ứng nhanh chóng cũng như dễ dàng thực hiện các thao tác một các mượt mà so với các đối thủ có FPS thấp.
Trái lại, nếu bạn là người ưa thích các tựa game nhập vai, phiêu lưu… yêu cầu nặng về hình ảnh thì độ phân giải là lựa chọn ưu tiên hàng đầu. Mặc dù FPS trong trường hợp này vẫn có một vai trò nhất định nhưng bạn chỉ cần đầu tư đến mức 60FPS là có thể thoải mái trải nghiệm tốt những tựa game này. VNReview