Để bù đắp cho chi phí đầu tư nhà máy tại Mỹ, các dòng chip TSMC sản xuất tại đây có giá cao hơn 30% so với tại Đài Loan.
TSMC đã lên kế hoạch bắt đầu xuất xưởng một số dòng chip tại Mỹ từ đầu năm sau. Tuy nhiên, theo Digitimes, hãng sẽ bắt các khách hàng của mình trả phí cao hơn do chi phí xây dựng nhà máy ở Mỹ đắt đỏ hơn nhiều so với tại Đài Loan. Dự kiến, giá chip sản xuất trên các node quy trình N4 và N5 cao hơn từ 20% đến 30%.
Thực tế, những bộ vi xử lý được TSMC sản xuất tại nước ngoài đều đắt hơn, như tại nhà máy của công ty ở Kumamoto (Nhật Bản), chip đời cũ trên node quy trình N28, N22, N16 và N12 có giá cao hơn từ 10% đến 15% so với ở Đài Loan.
Theo PhoneArena, động thái trên có thể khiến hãng mất đi nhiều khách hàng. Trong khi một số nhà thiết kế chip đang đàm phán với TSMC về giá, một số bên đã bắt đầu cân nhắc chuyển sang Samsung hay Intel. Ví dụ, AMD và Qualcomm được cho là sẽ hợp tác với Samsung, còn Nvidia dự định đặt hàng Intel.
Qualcomm mới quay lại đặt hàng TSMC vào năm ngoái để sản xuất dòng chip Snapdragon 8+ Gen 1, sau khi Samsung chỉ đạt tỷ suất sản xuất 35% cho dòng chip 4 nm, còn TSMC lúc đó đạt 70%. Sau khi Samsung phục hồi tỷ suất ngang bằng với TSMC, Qualcomm dự kiến hợp tác với cả hai cho chip Snapdragon 8 Gen 4 trên tiến trình 3 nm.
Trong số khách hàng của TSMC, Apple được đánh giá quan trọng nhất khi đóng góp 25% doanh thu của công ty Đài Loan và cũng được nhận chiết khấu cao tới 30%. Do đó, năm nay Apple có thể là công ty duy nhất sử dụng chip 3 nm trên thế hệ iPhone 15, còn các công ty phải chờ năm sau khi giá wafer giảm xuống.
Trước đó, một số nguồn tin cho biết iPhone 15 Pro và 15 Pro Max sẽ tăng giá do TSMC khó đáp ứng đủ sản lượng chip. Theo Brett Simpson, nhà phân tích của Arete Research, trên lý thuyết TSMC có thể sản xuất 620 chip A17 trên mỗi tấm wafer. Tuy nhiên, tỷ lệ sản lượng hiện tại chỉ đạt 55% mỗi tấm. Hãng kỳ vọng cải thiện lên 70% thời gian tới, nhưng vẫn khiến giá thành A17 bị đội lên.