CHUỘT VÀ BÀN PHÍM KHÔNG DÂY DÙNG SÓNG VÔ TUYẾN VS. BLUETOOTH: LOẠI NÀO TỐT HƠN?

CHUỘT VÀ BÀN PHÍM KHÔNG DÂY DÙNG SÓNG VÔ TUYẾN VS. BLUETOOTH: LOẠI NÀO TỐT HƠN?
Khi bạn mua một con chuột hay bàn phím không dây, bạn có thể chọn loại kết nối qua Bluetooth hoặc kết nối qua một đầu cắm USB phát ra sóng vô tuyến (RF). USB-RF có độ trễ thấp hơn, nhưng Bluetooth lại có những ưu điểm không thể xem thường.

mouse

Loại nào nhanh hơn?

Độ trễ là một yếu tố quan trọng đối với bất kỳ con chuột hay bàn phím nào. Bạn chắc chắn sẽ muốn những thao tác của mình được thể hiện lên màn hình càng nhanh càng tốt – đặc biệt nếu bạn chơi các game cần phản xạ nhanh, như các game bắn súng góc nhìn thứ nhất chẳng hạn.

Theo Razer, USB-RF có độ trễ thấp hơn. Công ty chuyên sản xuất phụ kiện game này cho biết dù các thiết bị Bluetooth Low Energy (BLE) có thể đạt độ trễ chỉ 1,3 milli-giây (ms), nhưng USB-RF thậm chí còn thấp hơn, chỉ 1 ms. Đại diện Razer thậm chí còn nói chính sự khác biệt về tốc độ này là lý do họ chỉ chú tâm vào các thiết bị USB-RF. Là một công ty gaming, có thể hiểu được quyết định này của hãng.

Logitech cũng nói điều tương tự, rằng những con chuột Lightspeed của mình có thể đạt tốc độ không dây 1 ms, nhưng hãng này lại sử dụng một hình thức giao tiếp 2.4 GHz độc quyền. Theo TheVerge, điều này có nghĩa là chuột Logitech sẽ ít gặp vấn đề xung đột tín hiệu với các con chuột không dây khác sử dụng hình thức giao tiếp 2.4 GHz tiêu chuẩn.

BÀN PHÍM KHÔNG DÂY

Apple rất chuộng các loại bàn phím và chuột kết nối Bluetooth

Loại nào tương thích tốt hơn?

Độ trễ không phải là tất cả. Chuột USB-RF yêu cầu phải có một đầu cắm USB, và không phải thiết bị nào cũng có cổng USB truyền thống với kích cỡ đầy đủ (còn gọi là USB-A).

Bluetooth tương thích tốt hơn với nhiều thiết bị bởi bạn có thể sử dụng nó với các thiết bị không có cổng USB-A. Trong bối cảnh USB-C ngày càng phổ biến, sở hữu một con chuột hay bàn phím không dây RF sẽ khiến mọi việc phức tạp hơn. Bạn có thể mua chuột USB-C, nhưng bạn sẽ làm gì nếu chiếc laptop của mình chỉ có mỗi cổng USB-C, còn desktop thì chẳng có loại cổng này? Bạn có thể sắm một chiếc adapter (lại thêm một món đồ lỉnh kỉnh), hoặc một con chuột có cả USB-C và USB-A.

Đối với bàn phím, bạn sẽ không thể tìm được bất kỳ mẫu không dây nào dùng kết nối USB-C từ các nhà sản xuất nổi tiếng cả.

Một phụ kiện Bluetooth không hề gặp phải vấn đề đó; nó hoàn toàn không dây. Ngay cả nếu desktop của bạn không có Bluetooth, bạn có thể giải quyết dễ dàng với một đầu cắm Bluetooth. Và bởi đầu cắm này sẽ dính vào desktop, bạn chẳng cần lo sẽ đánh rơi nó ở đâu đó.

Một số thiết bị, như iPad Pro chẳng hạn, không có cổng USB truyền thống, và cũng mới chỉ bắt đầu hỗ trợ chuột gần đây mà thôi. Nếu bạn muốn dùng chuột trên tablet, chuột Bluetooth sẽ hoạt động hiệu quả nhất. Ngay cả những chiếc tablet có cổng USB, như Surface Pro, cũng thường kết hợp với những phụ kiện Bluetooth.

microsoft

Bộ chuột và phím Microsoft Sculpt Ergonomic

Loại nào dễ cài đặt hơn?

Khi bàn đến vấn đề dễ dàng cài đặt, những phụ kiện không dây sử dụng đầu cắm USB rõ ràng giành phần thắng. Bạn chỉ cần cắm đầu cắm vào và hệ điều hành sẽ phát hiện thiết bị mới và tự động thêm driver cho chúng. Thông thường, chỉ mất vài giây là bạn đã có thể sử dụng thiết bị của mình rồi. Một đầu cắm có thể kết nối cả bàn phím và chuột nếu chúng cùng nằm trong một bộ sản phẩm, và trong một số trường hợp, chỉ cần chúng đến từ cùng một hãng sản xuất là đủ.

Ngược lại, chuột hay bàn phím Bluetooth đòi hỏi phải qua nhiều bước cài đặt hơn. Đầu tiên, bạn phải đưa mọi thứ vào chế độ ghép nối, sau đó đợi laptop hay tablet kết nối với chuột hoặc bàn phím. Bạn sẽ phải ghép nối lần lượt chuột và bàn phím nếu cả hai đều dùng Bluetooth. Và khi bạn chuyển sang một thiết bị khác, bạn sẽ phải thực hiện các bước đó lại từ đầu.

Tuy nhiên, sau khi cài đặt ban đầu, Bluetooth lại giành ưu thế trong việc dễ sử dụng. Bạn cần ra ngoài và phải chuyển từ PC sang tablet? Chỉ cần mang tablet và bàn phím hoặc chuột đi xa một chút khỏi PC là kết nối sẽ bị ngắt. Chuột và bàn phím lúc này sẽ tự động ghép nối với tablet. Ngoài ra, bạn có thể tắt Bluetooth trên PC để buộc quá trình ghép nối với thiết bị khác diễn ra.

Với các phụ kiện USB-RF, bạn phải rút đầu cắm từ PC và cắm nó vào thiết bị khác. Nếu bạn đi trên đường, đầu cắm sẽ rất dễ bị rơi mất. Đôi lúc bên trong con chuột có một khe để giữ đầu cắm, nhưng không phải con chuột nào cũng có khe này. Và một số bộ combo chuột – bàn phím, như bộ Microsoft Sculpt Ergonomic Keyboard and Mouse, lúc nào cũng chỉ liên kết với một đầu cắm duy nhất, tức nếu bạn làm mất đầu cắm đó, hoặc nó bị hỏng, bạn sẽ phải mua lại cả bộ mới.

m720

Chuột M720 Triathlon của Logitech

Chọn cả hai

Nếu bạn không chắc mình cần gì hoặc sẽ cần gì sau này, bạn có thể chọn cả hai! Logitech có những bàn phím và chuột, như bàn phím K375s và chuột M720 Triathlon, với cả kết nối Bluetooth lẫn RF. Một số con chuột thậm chí có hẳn một nút bấm để dễ dàng chuyển đổi dễ dàng hơn giữa các thiết bị đã ghép nối.

Tương tự, bạn có thể kết nối chuột không dây Atheris của Razer thông qua đầu cắm USB hoặc Bluetooth.

Một con chuột hoặc bàn phím có cả RF lẫn Bluetooth sẽ cho phép bạn dùng với mọi thiết bị mà không cần phải rút đầu cắm ra. Chỉ cần cắm đầu cắm vào một thiết bị (ví dụ, thiết bị không có Bluetooth) và ghép nối chuột hoặc bàn phím qua Bluetooth với các thiết bị còn lại.

Nhưng hãy nhớ rằng, khi bạn dùng kết nối Bluetooth, bạn sẽ không tận dụng được lợi thế độ trễ thấp của USB-RF. Tương tự, khi bạn kết nối qua USB-RF, bạn cũng sẽ không tận dụng được những lợi thế của Bluetooth.

 

Đăng ký
Thông báo về
guest

0 Bình luận
Phản hồi theo binh luận
Xem tất cả các bình luận

Tin cùng chuyên mục

Review LG 24GN65R-B – Chiếc màn hình gaming giá rẻ tuyệt vời cho game thủ

Hôm nay Tân Doanh giới thiệu đến các bạn 1 sản phẩm màn hình LG 24GN65R-B. Đây là sản...
0
Rất thích suy nghĩ của bạn, hãy bình luận.x