Trong vài năm gần đây, SSD đã trở nên phổ biến và gần như là thành phần không thể thiếu trên một chiếc máy tính, vậy bạn đã bao giờ thắc mắc tại sao có những dòng SSD dung lượng cao giá lại rất phải chăng, trong khi một số dòng khác lại đắt gấp nhiều lần.
Ở bài viết này, chúng ta sẽ tìm hiểu về những loại SSD phổ biến và cách lựa chọn SSD phù hợp với nhu cầu giá thành của mỗi nhu cầu.
Phân loại SSD theo hình dạng vật lý
Có hai kiểu SSD phổ biến nhất được sử dụng nhiều nhất là ổ 2.5 inch SATA III và M.2 2280.
Ổ 2.5 inch SATA III có kích thước đúng bằng ổ HDD 2.5 inch SATA III thường được dùng cho các mẫu máy tính cũ.
M.2 2280 là ổ SSD sử dụng khe cắm M.2, kích thước bề ngang 22 mm và dài 80 mm (vì vậy có tên 2280). Ngoài kích thước 2280 thì chúng ta cũng có SSD M.2 2242, 2260 và 22110. Trên các mainboard PC thường có sẵn chân ốc cho 2242, 2260 và 2280, 2242, riêng 22110 thì ít gặp hơn.
Còn trên laptop, thường thì các nhà sản xuất chỉ hỗ trợ một chân ốc, phổ biến nhất là 2280, một số mẫu laptop đặc biệt sử dụng SSD M.2 2242 để tiết kiệm không gian.
Ngoài ra còn có SSD sử dụng chân cắm PCIe (giống như card đồ họa) và một vài loại hiếm gặp khác.
Phân loại theo giao thức
Khác với hình dạng vật lý, giao thức là cách để SSD giao tiếp với các thành phần khác của máy tính, nó quyết định đến tốc độ truyền tải dữ liệu. Có hai loại giao thức chính là SATA và NVMe.
Với các loại SSD 2.5 inch SATA III thì tất nhiên rồi, giao thức của loại là là SATA và bị giới hạn ở 600MB/s. Đối với SSD M.2, mặc dù chúng cùng hình dạng vật lý nhưng lại có cả SATA và NVMe.
Các thông số này sẽ có ngay trên tên của các SSD. Với những SSD ghi là PCIe NVMe thì ở đây PCIe chính là giao tiếp vật lý (cổng PCIe trên mainboard) và NVMe là giao thức.
Hiện tại, do giới hạn của cổng PCIe 3.0 nên tốc độ của SSD thường đạt mức tối đa khoảng 3.5GB/s, gấp khoảng 6 lần so với SSD SATA.
Trong tương lai gần, chuẩn PCIe 4.0 sẽ được phổ biến hơn chúng ta sẽ thấy những SSD có tốc độ đọc ghi đạt mức trên dưới 5GB/s.
Phân loại theo flash NAND
flash NAND có thể hiểu là kiến trúc của các chip nhớ, nó cũng bao gồm nhiều bóng bán dẫn (transitor) nhưng có thiết kế đặc biệt để không bị mất dữ liệu khi không có nguồn điện.
Hiện nay có 4 loại flash NAND phổ biến gồm có SLC, MLC, TCL và mới đây là QLC.
SLC – Single-layer cell: Mỗi ô dữ liệu chỉ chứa một bit dữ liệu với hai trạng thái 1 hoặc 0. SSD loại này cho độ trễ thấp nhất, độ bền cao nhất, tốc độ nhanh nhất, đây là loại SSD đáng tin cậy nhất. Tuy nhiên ưu điểm thì cũng đi kèm nhược điểm, vì mỗi ô dữ liệu chỉ chứa được một bit dữ liệu nên giá thành ổ này thước rất mắc, bạn sẽ rất ít gặp loại SSD loại này. Ví dụ dòng SSD Enterprise sử dụng SLC dung lượng 480GB sẽ có giá đâu đó bằng các dòng 2TB phổ thông nhưng cho tuổi thọ đọc ghi lên đến 7.4PBW.
MLC – Multi-layer cell: Gọi là multi thì không đúng lắm, loại này chứa được 2 bit dữ liệu, tức là chúng ta sẽ có 2^2=4 trạng thái (00,01,10,11). Vì mỗi ô nhớ chứa nhiều dữ liệu hơn nên tốc độ sẽ chậm hơn, dễ lỗi hơn, độ bền cũng thấp hơn. MLC thường xuất hiện trên những dòng SSD Pro của Samsung. Để so về độ bền thì một SSD Samsung 970 Pro 512GB có tuổi thọ khoảng 600 TB, chưa bằng 1/12 so với con số 7.4PBW của dòng Enterprise sử dụng SLC ở trên.
TLC – Triple-layer cell: Như tên gọi, loại này mỗi ô chứa 3 bit dữ liệu, tức có tới 2^3=8 trạng thái khác nhau (000, 001, 011…). Đây là loại phổ biến nhất trên thị trường vì giá thành dễ chịu, tuổi thọ khá tốt, với nhu cầu người dùng thông thường đáp ứng tốt 5 – 10 năm sử dụng. Ví dụ một ổ SSD Samsung 970 EVO Plus 500GB có tuổi thọ khoảng 300TB (tức bạn cứ ghi rồi xóa 300TB mới “đến tuổi”). Các dòng này vẫn được bảo hành tới 5 năm, nên các bạn cũng không cần lo lắng.
QLC – Quad-level cell: Nhằm hạ giá thành SSD hơn nữa, các nhà sản xuất đã bắt đầu đưa QLC ra thị trường. Mỗi ô nhớ QLC chứa 4 bit dữ liệu, tức là có tới 2^4=16 trạng thái (gấp 8 lần MCL chỉ có hai trạng thái 1 và 0). Lấy một điển hình như Samsung 870 Qvo dung lượng 1TB có mức giá đâu đó chỉ tầm 3 triệu, tuy nhiên tuổi thọ cũng thấp hơn với khả năng ghi chỉ 360TB cho ổ 1TB, tức chỉ khoảng 180TB cho ổ 500GB.
PLC (Penta-level cell): Công nghệ này vẫn đang trong quá trình phát triển, với mỗi ô nhớ chưa tới 5 bit dữ liệu, tức cho 2^5=32 trạng thái, hứa hẹn sẽ đưa giá thành SSD về sâu hơn nữa.
Lưu ý: Loại flash NAND và giao thức – hình dạng vật lý của SSD không liên quan đến nhau.
Lựa chọn SSD sao cho phù hợp
Đầu tiên, bạn phải xác định được loại SSD mà máy tính mình hỗ trợ (về mặt vật lý và giao thức). Ví dụ, những dòng laptop 5 – 7 năm trước thường không có khe M.2, vậy bạn chỉ có thể nâng cấp ổ 2.5 inch SATA.
Những dòng laptop vài năm trước thường có M.2, nhưng nhiều dòng chỉ hỗ trợ M.2 SATA, nếu bạn mua SSD NVMe gắn vô sẽ tốn thêm tiền mà tốc độ lại bị giới hạn.
Với những dòng laptop mới đa số đều đã hỗ sử dụng M.2 NVMe, bạn có thể sử dụng cả M.2 SATA lẫn M.2 NVMe vì chúng tương thích ngược lẫn nhau. Nếu có điều kiện, SSD NVMe sẽ cho tốc độ nhanh hơn đáng kể, nhưng trong điều kiện sử dụng thực tế, bạn cũng ít khi cảm nhận được sự khác biệt với SSD SATA (trừ khi sao chép dữ liệu lớn).
Ngoài ra, các bạn cũng nên lưu ý về loại chip nhớ. Với ổ cài hệ điều hành, dữ liệu thường xuyên được đọc ghi và ổ này sẽ phải hoạt động liên tục trong quá trình chúng ta sử dụng máy tính, các bạn nên chọn một SSD TLC hoặc MLC cho độ bền cao, ít bị lỗi, sử dụng ổn định. Với QLC, do độ bền không cao, và xác suất lỗi xảy ra là cao hơn bạn có thể chọn để lưu trữ dữ liệu không quá quan trọng.
MLC do quá đắt đỏ và không phổ biến, thường chỉ sử dụng trong môi trường doanh nghiệp đòi hỏi khắt khe về mức độ an toàn, bền bỉ hoặc trên các máy chủ, máy trạm hoạt động liên tục 24/24.
Bên cạnh các yếu tố trên, việc một SSD đắt hay rẻ còn đến từ thương hiệu, chế độ bảo hành…