Review AMD Ryzen 5 5600X – Kiến trúc mới, sức mạnh mới
Với sự ra mắt dòng vi xử lý Ryzen thế hệ 5000 series, AMD đã có bước cải tiến mạnh trong kiến trúc (Zen 3), mang đến hiệu năng đơn nhân cũng như chơi game tối ưu hơn hẳn thế hệ trước.
Sơ lược về kiến trúc Zen 3 So với kiến trúc Zen 2, Zen 3 vẫn sử dụng tiến trình sản xuất 7nm nhưng có sự cải tiến lớn kiến trúc bên trong. Điểm nổi bật nhất là kiến trúc Zen 2 trước đây có thiết kế mỗi cụm CCD gồm 2 cụm CCX, mỗi cụm CCX có 4 nhân, bộ nhớ cache L3 sẽ chia làm 2 phần, ví dụ 32MB sẽ chia thành 16MB + 16MB, mỗi CCX truy cập 16MB và 2 cụm CCX sẽ liên lạc với nhau qua một kết nối nên có độ trễ nhất định.
Kiểu thiết kế này đã khiến các bộ xử lý AMD trước đây tuy có hiệu năng tổng thể lớn nhưng riêng mảng chơi game vẫn bị thua thiệt so với đối thủ Intel và hiệu năng đơn nhân cũng không tối ưu.
Hiểu được yếu điểm này, AMD cải tiến lại khối CCD. Thay vì cấu tạo 2 khối CCX bên trong CCD trong các CPU 6-8 nhân, AMD đã đưa toàn bộ 8 nhân vào một khối CCX duy nhất bên trong CCD. Kiểu thiết kế mới giúp toàn bộ 8 nhân đều có quyền truy xuất trực tiếp đến 32MB cache L3 chung, không còn độ trễ giao tiếp giữa các cụm nhân như trước đây nên hiệu suất đã tăng rất ấn tượng. Chỉ số IPC (instructions per cycle – khả năng xử lý số chỉ thị trên mỗi xung nhịp) cao hơn đến 19% so với thế hệ trước.
Phiên bản mình thử nghiệm lần này là AMD Ryzen 5 5600X 6 nhân 12 luồng, TDP 65W. Cấu hình thử nghiệm gồm : Bo mạch chủ Asus Crosshair VIII Hero Wifi, RAM XTREEM ARGB DDR4 GAMING (2 x 8GB), Card đồ họa AMD Radeon VII.
Với công cụ Cinebench R20 đo khả năng dựng hình, Ryzen 5 5600X đã có chiến thắng áp đảo so với các phiên bản bản 6 nhân 12 luồng cùng phân khúc của đối thủ Intel Core i5-10600K/KA/KF cả đơn nhân (596 so với 501 hơn đến 18%) lẫn đa nhân (4287 so với 3629 hơn đến 18%). Nhìn lại kiến trúc Zen đầu tiên, tuy có hơn Intel về đa nhân nhưng đơn nhân vẫn thua khá nhiều. Zen 2 thì AMD chỉ ở mức ngang ngửa trong xử lý đơn nhân dù đơn nhân vượt trội. Nhưng đến Zen 3 thì thật sự AMD đã áp đảo hoàn toàn đối thủ Intel.
Kết quả Geekbench 5 cũng khẳng định đều tương tự, sức mạnh đơn nhân đã không còn là thế mạnh của Intel.
Với công cụ 3Dmark Time Spy, Ryzen 5 5600X đạt 7756 điểm CPU, có thua một chút so với 8273 điểm của Intel Core i5 10600K (6,6%), đây cũng là phép thử duy nhất Ryzen 5 5600X để thua đối thủ.
Đến công cụ benchmark dựng hình Blender 2.81a thì Ryzen 5 5600X đã dành lại lợi thế với mức chênh lệch hiệu năng từ 8-16% tùy phép thử.
Công cụ 7-Zip cũng cho thấy khả năng nén và giải nén file của Ryzen 5 5600X vượt trội so với Core i5 10600K: Nén 52,6 MB/s nhanh hơn 14% (Core i5 10600K 46MB/s), giải nén 932 MB/s nhanh hơn đến 34% (Core i5 10600K 692 MB/s)
Khả năng chơi game từ bằng đến hơn đối thủ
Do không còn độ trễ giữa các nhân nên khả năng xử lý khi chơi game của AMD Ryzen 5 5600X cũng đã cải thiện rõ rệt, không còn thua thiệt đối thủ, thế mạnh của Intel có vẻ đã không còn.
Do không phải là dân game thủ nên mình không test chuyên sâu về game nhưng có tham khảo kết quả test của kênh youtube bên dưới so sánh các kết quả chơi game giữa Ryzen 5 5600X và Intel Core i5 10600K. Core i5 10600KA là phiên bản siêu anh hùng ngoài vỏ hộp bên trong tương đương 10600K, còn 10600KF là phiên bản Intel chỉ lược bỏ bớt nhân đồ họa tích hợp của Core i5 10600K nên hiệu năng phần nhân CPU là tương đương. Bạn hoàn toàn có thể tham khảo kết quả CPU Core i5 10600K thay cho Core i5 10600KA và KF.
Qua các thử nghiệm có thể thấy Ryzen 5 5600X có lợi thế vượt trội trong hầu hết các game khi chơi game ở độ phân giải từ Full HD 1080p với mức chênh lệch đến 15%.
Tuy nhiên lợi thế này bị mất dần khi nâng mức độ phân giải cao hơn. Cụ thể khi nâng lên độ phân giải 1440p, chênh lệch chỉ còn khoảng 6,6% và khi nâng lên độ phân giải 4K thì cả hai chip cho hiệu năng gần như tương đồng.
Giá đã đi kèm tản nhiệt
Giá của AMD Ryzen 5 5600X tại thị trường Việt Nam hiện tại là khoảng 7,899,000 đồng, đã đi kèm tản nhiệt đầy đủ bạn mua về có thể dùng ngay.
Đối thủ Intel có giá mềm hơn nhưng lại không đi kèm tản nhiệt nên bạn sẽ cần mua thêm tản nhiệt riêng.
Tóm lại, ở thời điểm hiện tại tỉ lệ hiệu năng/ giá thành của Ryzen 5 5600X có vẻ không còn vượt trội so với đối thủ như truyền thống vốn có trước đây. Cũng dễ hiểu vì hiện tại AMD đã nằm ở vị thế khác. AMD hiện tại là người dẫn đầu trong mảng CPU và Intel phải đuổi theo, tình thế hoàn toàn ngược lại so với trước đây. Hiệu năng cao nên AMD đã mạnh dạn bán với mức giá cao hơn cũng là điều hợp lý.
Tuy nhiên đây chỉ là kết quả thử nghiệm trên nền BIOS chưa được tối ưu. Mình thử vào ngày 6/11/2020 và đến ngày 11/11/2020 mình đã thấy có kết quả hiệu năng cao hơn mình khá nhiều trên trang GeekBench nhưng mình đã trả lại sản phẩm cho hãng nên không test lại được.
Có lẽ AMD vẫn giữ được truyền thống mỗi bản cập nhật BIOS sẽ tăng thêm hiệu năng đáng kể. Nếu đúng như mong đợi thì AMD Ryzen 5 5600X rất xứng đáng để lựa chọn cho phân khúc CPU máy để bàn 6 nhân.