Nvidia hiện là “một công ty điện toán toàn phần”

Nếu chúng ta để ý kỹ, Nvidia giờ đây không còn đơn thuần chỉ là một công ty phát triển tập trung vào mỗi mảng game.

Hiện tại, Nvidia vẫn đang có những bước tiến vững chắc trong lĩnh vực kinh doanh thuần túy của công ty bằng việc tiếp tục sản xuất ra một loạt chip đồ họa có hiệu suất hàng đầu và đặc biệt là xây dựng cả một nền tảng chơi game thông qua lưu trữ đám mây Nvidia GeForce Now. Tuy nhiên, nếu quên đi thế mạnh của Nvidia và quan sát các mảng khác đang được đầu tư ở công ty này, phải nói là họ có một sự mở rộng đáng kể về quy mô phát triển. Đây là thông điệp mà Giám đốc điều hành Nvidia, Jensen Huang, nhấn mạnh trong bài phát biểu tại hội nghị GTC (GPU Technology Conference) vào tuần trước. Jensen gọi Nvidia hiện là “một công ty điện toán toàn phần”.

Theo Techspot, trong vài năm qua, Nvidia thực sự đã có những bước tiến đáng kể ở nhiều lĩnh vực khác. Tại hội nghị công nghệ GTC 2021, bên cạnh việc đề cập về các thông tin bên lề, Nvidia vẫn không quên tiết lộ những công nghệ tiếp theo trên các dòng GPU tiếp theo của mình. Cụ thể, hãng đang phát triển một CPU trên tiến trình 5nm có tên mã là “Grace” cũng như đẩy mạnh phát triển linh kiện DPU (Data Processing Unit) sau thương vụ mua lại hãng networking Mellanox. Bên cạnh việc tích cực nghiên cứu những cải tiến mới cho chip, Nvidia còn đẩy mạnh đầu tư vào các mảng tiềm năng khác như công nghệ ôtô, điện toán lượng tử, 5G… Nhìn chung, có thể thấy rằng Nvidia đang xâm nhập vào các mảng tiềm năng nhất của công nghệ điện toán.

Nvidia 02

Tạm gác lại những lĩnh vực điện toán mới của Nvidia để quay trở lại với mảng kinh doanh thuần túy của công ty là GPU. Tại GTC năm nay, Nvidia đã đưa ra nhiều thông báo mới liên quan đến GPU. Cụ thể, hãng chuẩn bị cho ra mắt một loạt các dịch vụ cũng như phần mềm GPU có sự tham gia của 2 công nghệ xu hướng hàng đầu hiện nay là trí tuệ nhân tạo (AI) và nền tảng đám mây. Thêm vào đó, đối với mảng kinh doanh chủ lực của mình, Nvidia đã liên tục mở rộng khả năng tương thích ứng dụng cho dòng GPU trong nhiều năm trở lại đây. Những đóng góp to lớn của Nvidia cho các lĩnh vực như học máy, học sâu cùng nhiều mảng liên quan đến AI phức tạp khác đã được ghi nhận cũng như triển lãm tại hội nghị GTC năm nay. Hiện tại, Nvidia vẫn đang tiếp tục đẩy mạnh phát triển ở các công nghệ tương lai này.

Khi đề cập đến AI, Nvidia nhấn mạnh rằng mục tiêu của hãng là xây dựng được nhiều mô hình trí tuệ nhân tạo vượt trội, có ích và dễ dàng tương tích với nhiều loại ứng dụng nhằm góp phần “đơn giản hóa” hoạt động kinh doanh của các doanh nghiệp khách hàng. Điển hình như công cụ hỗ trợ hội thoại Jarvis phát triển trên nền tảng AI của Nvidia hiện đã sẵn sàng đưa vào hoạt động và các doanh nghiệp có thể sử dụng công cụ này để phát triển các dịch vụ khách hàng tự động.

Nvidia 03

Theo đó, dự án Maxine mới được Nvidia công bố gần đây có khả năng cải thiện chất lượng video trên các mạng có băng thông thấp, thực hiện phiên âm tự động và dịch theo thời gian thực. Đặc biệt, các tính năng của những công cụ tích hợp được với công nghệ Maxine của Nvidia còn có thể được nâng cấp lên một “tầm cao mới”. Hãng cũng đưa ra một thông báo quan trọng liên quan tới nền tảng đám mây VMware. Nvidia cho biết rằng các công cụ và nền tảng AI của mình hiện có thể hoạt động trên môi trường VMware và các khách hàng đã có thể sử dụng công nghệ này để xử lý những khối lượng công việc khổng lồ hay tăng tốc các ứng dụng cho doanh nghiệp của mình.

Nvidia 04

Mặc dù những ứng dụng AI cho doanh nghiệp của Nvidia đã gây ấn tượng mạnh, nhưng điểm đáng chú ý thật sự đó là việc hãng đang thay đổi chiến lược phát triển của mình bằng việc phân bổ nguồn lực cho tới 3 loại chip khác nhau: GPU, DPU và CPU. Tại hội nghị, Giám đốc điều hành Huang đã tóm lược lộ trình phát triển của 3 dòng chip này trong thời gian tới và bắt đầu từ năm 2025. Trong đó, Huang nêu bật cách mỗi loại chip sẽ cải tiến vài năm một lần, điều này cho phép Nvidia có lợi thế về lượng kiến trúc chip tiến bộ hàng năm.

Nvidia đang phát triển dòng DPU có tên mã là “BlueField” được xây dựng dưa trên công nghệ mạng tốc độ cao mà hãng đã thừa hưởng từ Mellanox sau khi mua lại công ty này vào tháng 4 năm ngoái. Đây là sự kết hợp của hai công ty có chuyên môn hàng đầu về công nghệ điện toán hiệu năng cao (HPC) và kết nối mạng hiệu năng cao. Dĩ nhiên, dự án BlueField là một trong những bước tiến tiếp theo của Nvidia đi sâu hơn vào các trung tâm dữ liệu, điện toán hiệu suất cao và các ứng dụng điện toán đám mây, dòng chip này được đánh giá là công cụ lý tưởng để tăng tốc hiệu suất của các ứng dụng trên các ứng dụng trên nền tảng web.

Các ứng dụng này được chia thành nhiều vùng chứa nhỏ hơn và thường chạy trên nhiều máy chủ vật lý. Chúng hoạt động phụ thuộc phần lớn vào lưu lượng giữa các máy tính trong trung tâm dữ liệu. Hiện tại, lợi thế của chip BlueFied đang được ứng dụng cho một loạt các công nghệ càng rộng rãi. Trong đó, có thể kể đến sản xuất ôtô, thế hệ SoC ôtô mới nhất của Nvidia với tên mã là “Atlan” cũng bao gồm lõi BlueField trong thiết kế.

Nvidia 05

Nhân vật cuối cùng trong bộ 3 chip của Nvidia là CPU dĩ nhiên gây ra tiếng vang lớn nhất khi được giới thiệu với thiết dựa trên nền tảng ARM có tên mã “Grace”. Mặc dù nhiều tin đồn cho rằng đây là một sản phẩm cạnh tranh với CPU của Intel và AMD, nhưng mục tiêu thật sự ban đầu của Nvidia khi triển khai Grace là dùng để phục vụ cho hoạt động HPC và xử lý các khối lượng công việc trên mô hình AI khổng lồ khác. Dẫu vậy, lại có ý kiến cho rằng Grace không phải là mẫu CPU được thiết kế để làm một công việc cụ thể.

Theo Techspot, để vận hành các ứng dụng AI phức tạp, đòi hỏi công nghệ cao và tốn nhiều bộ nhớ, do đó, nhiều khả năng Nvidia đang xây dựng Grace nhằm cải thiện tốc độ kết nối GPU tới bộ nhớ hệ thống ở tốc độ nhanh hơn so với những gì kiến trúc x86 có thể cung cấp trước đó. Giới chuyên gia nhận định rằng đây chắc chắn không phải là một ứng dụng mà mọi doanh nghiệp đều có thể tận dụng được, nhưng nhìn về tương lai thì nó vẫn rất quan trọng khi mà số lượng doanh nghiệp ứng dụng AI vào mô hình hoạt động đang ngày càng tăng.

Nvidia 06

Một trong những lý do gây ra tranh cãi xoay quanh khả năng của Grace xuất phát từ việc Nvidia hiện đang cố gắng mua lại Arm. Vì vậy, bất kỳ mối liên hệ nào giữa 2 bên chắc chắn đều sẽ bị thổi phồng thành một vấn đề nghiêm trọng. Thêm vào đó, minh chứng tiếp theo dựa vào việc Nvidia đang nghiên cứu một loạt ứng dụng khác nhau nhằm kết hợp IP của hãng với các sản phẩm dựa trên nền tảng Arm, bao gồm điện toán đám mây với AWS Gravition của Amazon, điện toán khoa học kết hợp với công nghệ CPU mục đích chung của Ampere, cơ sở hạ tầng mạng 5G, điện toán biên với Marvell’s Octeon và các PC gắn SoC MT819x của MediaTek.

Cuối cùng, sơ đồ SoC kết hợp lõi CPU “Grace Next” cho dự án ôtô Atlan của Nvidia cũng tạo ra không ít suy đoán cho giới công nghệ. Và Grace Next dự kiến sẽ được Nvidia cho ra mắt vào năm 2025. Tại GTC 2021, Nvidia đã tiết lộ một số thông báo quan trọng liên quan đến lĩnh vực tiềm năng này. Theo đó, nền tảng ôtô thế hệ tiếp theo của hãng có tên mã là Orin và dự kiến ​​sẽ xuất hiện trên các sản phẩm của những ông lớn trong ngành như Mercedes-Benz, Volvo, Hyundai và Audi bắt đầu từ năm tới.

Nvidia 07

Đồng thời, Nvidia công bố máy tính điện toán chủ Orin, vận hành bởi một chipset có thể được ảo hóa để chạy cùng lúc 4 ứng dụng khác nhau cho ôtô, bao gồm cụm công cụ điện tử, hệ thống thông tin giải trí, hệ thống tương tác và giám sát hành khách, các tính năng lái xe tự động cũng như hỗ trợ chế độ hiển thị thông minh trong quá trình lái – một màn hình phản chiếu toàn bộ những gì máy tính Orin ghi nhận được khi xe đang chạy, được thiết kế để mạng lại cho hành khách cảm giác an toàn, tin tưởng trong thời gian chạy xe. Nvidia tiếp tục ra mắt nền tảng xe tự hành (AV) Hyperion thế hệ thứ 8 của họ, tích hợp nhiều chip Orin, cảm biến hình ảnh, radar, lidar và phần mềm AV mới nhất của công ty.

Nvidia 08

Đặc biệt, Atlan là sản phẩm đầu tiên mà Nvidia tích hợp cả ba kiến ​​trúc chip lõi của công ty bao gồm GPU, DPU và CPU trong một thiết kế bán dẫn duy nhất. Dự án này rất đáng để mong chờ, trong đó nổi bật là việc Nvidia dự kiến ​​sẽ tăng gấp 4 lần sức mạnh tính toán của Orin (ra mắt vào năm 2022) và đạt tốc độ 1.000 TOPS (tera hoạt động mỗi giây). Hiện tại, các thiết kế chi tiết vẫn còn khá mơ hồ, nhưng các thế hệ tiếp theo của những kiến trúc hiện tại dự kiến sẽ là một phần của Atlan. Nếu thành công, sản phẩm ôtô này có thể mở rộng các cơ hội khác của công ty cũng như mở đầu cho một kỷ nguyên ôtô công nghệ hàng đầu sẽ được phát hành.

Bên cạnh những dự án ấn tượng mà Nvidia đã đề cập tại GTC, hãng đã cho ra mắt nhiều ứng dụng công nghệ tiềm năng khác chẳng hạn như nền tảng Omniverse dành cho cộng tác 3D, nền tảng phần cứng tương tự siêu máy tính DGX… Có rất nhiều thứ để nói về Nvidia, họ đang tiếp cận hầu hết mọi lĩnh vực và khai thác triệt để cơ hội dẫn đầu trong cuộc đua kỷ nguyên số.

Mời bạn tham gia Group Cộng đồng VnReview để thảo luận và cập nhật tin tức công nghệ, sản phẩm.

Chí Tôn – lược dịch bài viết của tác giả Bob O’Donnell, trang Techspot.

 

Đăng ký
Thông báo về
guest

0 Bình luận
Phản hồi theo binh luận
Xem tất cả các bình luận

Tin cùng chuyên mục

Lộ ảnh thực tế Intel Lunar Lake đang được thử nghiệm

igor'sLAB đã chia sẻ một bức ảnh thực tế về nền tảng thử nghiệm CPU sắp ra mắt mang...
0
Rất thích suy nghĩ của bạn, hãy bình luận.x