Nhiều kỹ sư Facebook âm thầm theo dõi phụ nữ

Mỗi tháng, các kỹ sư Facebook đều lạm dụng quyền truy cập dữ liệu người dùng để tìm kiếm thông tin của những người phụ nữ mà họ có cảm tình.

Cuốn sách An Ugly Truth: Inside Facebook’s Battle for Domination (tạm dịch: Sự thật xấu xí: Bên trong cuộc chiến giành quyền thống trị của Facebook) của hai phóng viên New York Times Cecilia Kang, Sheera Frenkel vừa tiết lộ nhiều thông tin gây chấn động về “gã khổng lồ” mạng xã hội. Theo đó, từ tháng 1.2014 – 8.2015, công ty đã sa thải 52 nhân viên vì khai thác dữ liệu người dùng cho mục đích cá nhân.

Một kỹ sư giấu tên làm việc tại Facebook đã bí mật lần theo dấu vết của một người phụ nữ đi nghỉ cùng anh ở châu Âu. Cả hai cãi vã khiến người phụ nữ bỏ đi giữa chuyến du lịch. Bằng cách xâm nhập vào dữ liệu người dùng của Facebook, anh đã tìm ra được vị trí của người này ở một khách sạn khác.

Cũng có kỹ sư dùng quyền truy cập dữ liệu để tìm thông tin về người phụ nữ đã cắt đứt liên lạc với mình. Nhờ hệ thống của công ty, anh ta có thể đọc những cuộc trò chuyện riêng tư giữa đối tượng với bạn bè trong suốt nhiều năm, xem những sự kiện người đó đã tham gia, những tấm ảnh người đó tải lên mạng (và đã xóa), những bài viết người đó đã bình luận hay bấm vào xem. Thông qua ứng dụng Facebook cài trên điện thoại, kỹ sư này cũng có thể tìm thấy vị trí của người phụ nữ kia theo thời gian thực.

Cuốn sách cho biết các nhân viên Facebook được cấp quyền truy cập dữ liệu người dùng để “cắt đứt dải băng đỏ làm chậm tiến độ của các kỹ sư”. “Dải băng đỏ” ám chỉ những thủ tục, quy định rườm rà gây cản trở quá trình làm việc và đưa ra quyết định.

Hầu hết nhân viên Facebook truy cập dữ liệu người dùng với mục đích tra cứu thông tin, nhưng vài người không dừng lại ở đó. Hai phóng viên của News York Times nói rằng các kỹ sư lạm dụng quyền truy cập thông tin là “những người đàn ông tìm hồ sơ Facebook của những người phụ nữ mà họ hứng thú”.

Facebook khẳng định đã sa thải những nhân viên vi phạm và hứa sẽ tăng cường đào tạo nhân viên, ngăn chặn những trường hợp như vậy xảy ra, đặc biệt là giảm quyền truy cập thông tin của các kỹ sư.

CEO Mark Zuckerberg lần đầu tiên được báo cáo về vấn đề này vào tháng 9.2015, khi Alex Stamos – trưởng bộ phận an ninh của Facebook tại thời điểm đó lên tiếng. Trong một cuộc họp với lãnh đạo công ty, Stamos nói các kỹ sư lạm dụng quyền truy cập “gần như mỗi tháng”.

Lúc đó, hơn 16.000 nhân viên Facebook có quyền truy cập dữ liệu người dùng. Stamos đề xuất giảm số nhân viên này xuống còn 5.000, trong số đó, chỉ dưới 100 nhân viên được quyền xem những thông tin đặc biệt nhạy cảm như mật khẩu. Ông cũng cho rằng nhân viên nên gửi yêu cầu cho cấp trên để xin quyền truy cập dữ liệu cá nhân, nhưng ý kiến của ông bị các lãnh đạo phản đối. Zuckerberg giao nhiệm vụ cho Stamos tìm giải pháp và cập nhật quyền xem dữ liệu trong vòng 1 năm.

Tuy nhiên, Mark Zuckerberg sẽ không hoàn toàn khắc phục vấn đề này trong nội bộ công ty. Một nhân viên cho rằng những thay đổi mới sẽ ảnh hưởng đến việc Facebook thu thập dữ liệu, đi ngược lại với “DNA của Mark”.

Người này chia sẻ: “Trong lịch sử phát triển Facebook, có nhiều con đường, nhiều quyết định mà chúng tôi có thể lựa chọn, chúng sẽ giúp hạn chế, thậm chí cắt giảm lượng dữ liệu người dùng mà chúng tôi đang thu thập. Nhưng trước khi đề xuất cho anh ấy, chúng tôi đã biết đó không phải là con đường anh ấy sẽ chọn”.

NguồnTNO
Đăng ký
Thông báo về
guest

0 Bình luận
Phản hồi theo binh luận
Xem tất cả các bình luận

Tin cùng chuyên mục

Pin CMOS là gì? Pin CMOS có ảnh hưởng gì tới máy tính?

Pin CMOS này thực chất là gì? Vai trò của nó trong máy tính ra sao? Và làm thế...
0
Rất thích suy nghĩ của bạn, hãy bình luận.x