60HZ, 144HZ, 240HZ: Tốc độ làm tươi màn hình (Refresh Rate) quan trọng như thế nào?

60HZ, 144HZ, 240HZ: Tốc độ làm tươi màn hình (Refresh rate) quan trọng như thế nào?
Khi chọn mua màn hình máy tính mới, có rất nhiều yếu tố mà bạn cần phải cân nhắc như kích thước, độ phân giải, tỉ lệ màn hình… Trong đó, có một yếu tố thường bị mọi người bỏ quên (hoặc không hiểu bản chất thực sự đằng sau), đó là tốc độ làm tươi màn hình (refresh rate).

Vậy tốc độ làm tươi màn hình là gì, và nó có ảnh hưởng như thế nào đến trải nghiệm sử dụng màn hình của bạn? Chúng ta hãy cùng tìm hiểu qua bài viết dưới đây, lược dịch từ trang tin Makeuseof.

Tốc độ làm tươi màn hình (refresh rate) là gì?

Tốc độ làm tươi màn hình là số lần hình ảnh trên màn hình được cập nhật trên một giây. Thông số này được đo bằng đơn vị Hertz (Hz) (đọc là “héc”). Trên thực tế, những gì mà bạn thấy hiển thị trên màn hình máy tính không phải là hình ảnh động thay đổi liên tục, mà là một chuỗi các hình ảnh tĩnh được chiếu lên với tốc độ rất nhanh, tạo cho mắt bạn cảm giác như chúng là những hình ảnh chuyển động thực sự. Tốc độ làm tươi cao đồng nghĩa với việc có nhiều hình ảnh được chiếu lên màn hình hơn trong cùng một đơn vị thời gian, hay nói cách khác, có nhiều thông tin đến được với mắt của bạn trong cùng một thời điểm. Nhờ đó mà hình ảnh chuyển động trên màn hình trông cũng mượt mà hơn.

Nếu bạn đã từng xem một đoạn video clip với đường truyền mạng yếu và đoạn video trông có vẻ hơi “giật giật”, mà bạn có thể nhìn rõ từng khung hình thay đổi, thì đó cũng chính là hiệu ứng khi xem video trên màn hình có tốc độ làm tươi thấp. Các màn hình có tốc độ làm tươi cao cũng có thể phát các đoạn video có tốc độ khung hình (frame rate) cao hơn, nhờ đó hình ảnh hiển thị cũng mượt mà hơn.

Các màn hình máy tính tiêu chuẩn cơ bản có tốc độ làm tươi là 60Hz, nhưng trên thị trường bạn cũng có thể tìm mua những màn hình có tốc độ làm tươi lớn hơn, lên đến 144Hz hoặc thậm chí là 240Hz.

Tốc độ làm tươi màn hình quan trọng như thế nào?

Vậy từ những thông tin định nghĩa trên, phải chăng cứ mua màn hình có tốc độ làm tươi cao thì các bộ phim và trò chơi điện tử chơi trên đó sẽ hiển thị đẹp mắt hơn? Không hẳn là vậy.

Tốc độ làm tươi là tốc độ tối đa mà màn hình máy tính của bạn có thể thay đổi các hình ảnh tĩnh được hiển thị, nhằm tạo cảm giác hình ảnh đang thực sự chuyển động liên tục. Nhưng việc liệu các phần mềm có thực sự cung cấp được nhiều hình ảnh tĩnh đến như vậy cho màn hình hiển thị trong một đơn vị thời gian còn phụ thuộc vào thông số “tốc độ khung hình” (frame rate) của phần mềm đó. Nói tóm lại, tốc độ khung hình là số khung hình được gửi đến cho màn hình của bạn hiển thị trong một giây.

Để tận dụng được hết khả năng của những chiếc màn hình có tốc độ làm tươi lớn, máy tính của bạn cần phải gửi dữ liệu tới màn hình với tốc độ nhan hhown. Đa số các phần mềm, chẳng hạn như nhóm các phần mềm phục vụ công việc hay xem phim, sẽ không bị ảnh hưởng nhiều bởi thông số tốc độ làm tươi màn hình. Bởi lẽ, đa số các bộ phim điện ảnh được chiếu ở tốc độ 24 khung hình trên giây (fps), và các màn hình tiêu chuẩn có tốc độ làm tươi 60Hz “thừa sức” đáp ứng được. Trong trường hợp này, do tốc độ khung hình mà máy tính xuất ra thấp hơn nên việc sắm một chiếc màn hình có tốc độ làm tươi cao cũng sẽ chẳng có tác dụng gì cả.

Tốc độ làm tươi quan trọng nhất đối với việc chơi game. Do các trò chơi điện tử kết xuất dữ liệu để gửi đến màn hình của bạn bằng card đồ hoạ, nên nếu card đồ hoạ của bạn có sức mạnh tính toán nhanh thì nó có thể gửi dữ liệu đến màn hình của bạn cũng nhanh hơn. Nhờ đó mà bạn có thể chơi trò chơi điện tử ở tốc độ khung hình cao, chẳng hạn như 100fps hay thậm chí còn lớn hơn nữa.

Hiện tượng “xé màn hình” (Screen Tearing)

Do thông số tốc độ khung hình của phần mềm và tốc độ làm tươi của màn hình không phải lúc nào cũng trùng khớp, do đó nảy sinh ra một vấn đề khá phổ biến khi chơi game, đó là hiện tượng “xé màn hình” (screen tearing). Hiện tượng này xảy ra khi card đồ hoạ gửi dữ liệu hình ảnh với tốc độ cao hơn tốc độ làm tươi của màn hình. Nếu bạn thử chơi trò chơi có tốc độ khung hình cao với một chiếc màn hình có tốc độ làm tươi thấp, thì chắc chắn bạn sẽ gặp phải vấn đề này. Hình ảnh hiển thị sẽ giống như kiểu bị “xé toạc” ở một (hoặc một vài) vị trí nhất định, mỗi vị trí lại hiển thị một phần hình ảnh khác nhau, không thống nhất (xem ảnh minh hoạ).

Để tránh hiện tượng này, đa số các phần mềm trò chơi hiện đại đều có chức năng tự động điều chỉnh tốc độ khung hình không vượt quá tốc độ làm tươi tối đa của màn hình đang được sử dụng. Do đó nếu bạn đang sử dụng màn hình có tốc độ làm tươi là 60Hz, thì các trò chơi của bạn sẽ không chạy với tốc độ khung hình vượt quá 60fps.

Ngoài ra, còn có các giải pháp khác cho hiện tượng này, chẳng hạn như các công nghệ G-Sync, V-Sync và Freesync. Bạn nên tìm đọc các bài viết chuyên sâu về trò chơi điện tử để tìm hiểu thêm về các thuật ngữ này.

Màn hình có tốc độ làm tươi cao sẽ giúp ích cho nhóm đối tượng nào nhiều nhất?

Nhóm người dùng được “hưởng lợi” nhiều nhất từ những chiếc màn hình có tốc độ làm tươi lớn là các “vận động viên thể thao điện tử”. Với những trò chơi đối kháng, bắn súng từ điểm nhìn của nhân vật như Counter-Strike GO hay Overwatch, tốc độ làm tươi màn hình lớn đồng nghĩa với những hình ảnh mượt mà hơn, và người chơi có thể dễ dàng theo dõi các pha hành động tốc độ cao hơn. Một số người chơi cho biết màn hình có tốc độ làm tươi lớn sẽ giúp họ ngắm bắn các mục tiêu dễ dàng hơn, nhưng thực tế còn phải tuỳ vào “thị lực” của mỗi người.

Vấn đề ở đây nằm ở “sự mờ chuyển động”. Khi mắt chúng ta nhìn vào một chuỗi những khung hình chuyển động nhanh, thì não bộ sẽ tự động “điền” bổ sung hình ảnh còn thiếu giữa các khung hình, tạo cảm giác như là một đoạn video liên tục chứ không phải là một chuỗi các hình ảnh tĩnh nữa. Nhưng sự “tự bổ sung” này lại dẫn đến tình trạng “mờ chuyển động”. Nếu càng có nhiều hình ảnh được gửi đến não bộ của chúng ta trong cùng một đơn vị thời gian (tức là có nhiều khung hình hiển thị với tốc độ cao hơn), thì chuyển động trông cũng sẽ sắc nét hơn.

So sánh sự khác biệt khi chơi game Fortnite trên màn hình có tốc độ làm tươi 240Hz, 144Hz và 60Hz.

Những game thủ chuyên nghiệp sẽ còn gặp tình trạng “lag”, hay “độ trễ” giữa thời điểm người chơi thực hiện thao tác (như các chuyển động chuột hay thao tác nhấn bàn phím) và thời điểm mà hiệu quả của các thao tác ấy xuất hiện trên màn hình. Những màn hình có tốc độ làm tươi lớn sẽ có thể giảm thiểu tình trạng “lag” bởi nó có thể làm giảm khoảng thời gian trễ giữa thao tác của người chơi và hiển thị màn hình. Mặc dù khoảng thời gian khác biệt này thường rất nhỏ, chỉ khoảng vài mili giây, song trong các game đối kháng, chừng ấy thời gian đã đủ để làm nên sự khác biệt.

Đối với những game thủ chuyên nghiệp và những người chơi game nghiêm túc, họ cần phải tận dụng mọi lợi thế. Và rõ ràng nếu tiền không phải là vấn đề, thì các game thủ vẫn sẽ đầu tư những chiếc màn hình có tốc độ làm tươi lớn và (dĩ nhiên là) có giá bán cao hơn.

Vậy còn chúng ta thì sao? Nếu bạn là một game thủ không chuyên, chỉ chơi ở nhà để giải trí, thì việc bỏ ra thêm một khoản tiền liệu có đáng hay không?

Màn hình có tốc độ làm tươi cao liệu có đáng để đầu tư?

Trước khi quyết định liệu có nên mua một chiếc màn hình có tốc độ làm tươi cao hay không, thì bạn cần phải trả lời câu hỏi: Liệu có còn yếu tố kĩ thuật nào của màn hình mà bạn cần cân nhắc đầu tư nữa hay không, bên cạnh tốc độ làm tươi màn hình?

Một chiếc màn hình với tốc độ làm tươi 240Hz tiêu chuẩn, độ phân giải Full HD 1080p và kích thước 24,5 inch sẽ có giá khoảng 400 USD. Cũng với 400 USD đó, bạn có thể chọn mua màn hình kích thước lớn hơn là 27 inch, độ phân giải 1440p (2K) và tốc độ làm tươi màn hình 144Hz (vốn cũng mang lại trải nghiệm rất ấn tượng. Hoặc nếu tốc độ làm tươi màn hình không phải là vấn đề ưu tiên của bạn, bạn có thể mua hẳn một chiếc màn hình có kích thước khổng lồ 34 inch, độ phân giải 4K nhưng chỉ có tốc độ làm tươi là 60Hz mà thôi.

Ngoài ra còn có những lựa chọn nâng cấp nào khác?

Bên cạnh đó, bạn cũng có thể tìm mua một màn hình rẻ tiền hơn, giá khoảng 100 USD và để dành 300 USD còn lại để đầu tư vào một chiếc card đồ hoạ cao cấp hơn. Với khoản tiền 300 USD, bạn có thể nâng cấp từ một chiếc card GeForce RTX 2070 (có giá khoảng 550 USD) vốn đã cho hiệu năng khá ấn tượng lên con “quái vật” GeForce RTX 2080 (giá khoảng 800 USD). Trong trường hợp này, số nhân CUDA để xử lý các tác vụ đồ hoạ đã tăng từ 2304 lên đến 2944 nhân. Ứng dụng trong thực tế với một game như Far Cry 5, việc nâng cấp card đồ hoạ như trên có thể giúp tốc độ khung hình (fps) hiệu dụng khi chơi tăng từ 84fps lên 105fps.

Hãy nhớ rằng màn hình của bạn phải có tốc độ làm tươi đủ cao để hiển thị số khung hình trên giây tăng lên nhờ vào việc nâng cấp card đồ hoạ. Do đó, sẽ thật vô ích nếu bạn nâng cấp lên một chiếc card đồ hoạ siêu nhanh trong khi chỉ có màn hình 60Hz. Thay vào đó, bạn sẽ nhận thấy sự cải thiện đáng kể về trải nghiệm hình ảnh khi nâng cấp từ combo màn hình 144Hz và card màn hình “đầu bảng” chuyển sang màn hình 240Hz nhưng đi kèm với card màn hình thấp hơn một chút.

Yếu tố nào là quan trọng nhất khi chọn mua màn hình máy tính?

Nguyên tắc ở đây là bạn cần chọn mua màn hình phù hợp với mục đích sử dụng, đó là yếu tố quan trọng nhất.

Nếu bạn dự định tìm mua một màn hình để đặt ở phòng khách, dùng để vừa xem phim hoặc chơi game vừa ngồi thư giãn trên ghế sofa (cách màn hình khoảng 2-3 mét), thì bạn nên ưu tiên những màn hình có kích thước lớn. Do ngồi xa nên bạn sẽ khó lòng nhìn kĩ được từng điểm ảnh ở độ phân giải cao hoặc nhận ra được sự khác biệt của tốc độ làm tươi lớn, tuy nhiên, kích thước màn hình là điều có thể nhìn thấy ngay được.

Còn nếu bạn muốn mua màn hình để sử dụng trên bàn làm việc, với những mục đích sử dụng chung, cơ bản, thì trong đa số trường hợp bạn nên chọn những sản phẩm có độ phân giải cao, nhằm giúp hình ảnh hiển thị trở nên sắc nét hơn. Điều này sẽ đặc biệt hữu ích khi bạn xem phim, làm việc, cần không gian màn hình desktop lớn, hoặc chơi các game thông thường.

Và cuối cùng, nếu bạn muốn tìm mua màn hình đặt trên bàn làm việc, chủ yếu phục vụ việc chơi game nghiêm túc và chuyên nghiệp, bạn nên chọn màn hình có tốc độ làm tươi lớn. Nhiều người cho rằng màn hình có tốc độ làm tươi lớn hơn sẽ mang đến trải nghiệm hình ảnh mượt hơn (ít bị giật hình) so với các màn hình có tốc độ làm tươi thấp, tuy nhiên cũng có những người nói rằng họ không nhận thấy sự khác biệt lớn lắm. Bạn có thể trực tiếp đến cửa hàng để trải nghiệm và rút ra cảm nhận của riêng mình

Vậy tóm lại, tốc độ làm tươi màn hình có phải là yếu tố xứng đáng đầu tư hay không?

Tốc độ làm tươi màn hình chỉ thực sự quan trọng đối với các game thủ chuyên nghiệp, nghiêm túc. Còn đối với những người chơi game thông thường (không hướng đến mục tiêu chuyên nghiệp) và người sử dụng máy tính thông thường không nên đầu tư quá nhiều vào tốc độ làm tươi, mà thay vào đó nên lựa chọn những màn hình có kích thước lớn hơn, độ phân giải cao hơn.

NguồnQuang Huy
Đăng ký
Thông báo về
guest

0 Bình luận
Cũ nhất
Mới nhất Được nhiều vote!
Phản hồi theo binh luận
Xem tất cả các bình luận

Tin cùng chuyên mục

NVIDIA ngừng sản xuất hàng loạt card đồ họa để chuẩn bị cho RTX 5070

NVIDIA khai tử hàng loạt sản phẩm thuộc dòng RTX 4070, dọn đường cho RTX 5070 ra mắt. Để chuẩn...
0
Rất thích suy nghĩ của bạn, hãy bình luận.x