Tìm hiểu về các loại mạng 5G
Mạng 5G (thế hệ mạng di động thứ 5) trên thực tế có 3 loại công nghệ khác nhau với đặc điểm và kỹ thuật riêng biệt, phù hợp cho từng ứng dụng.
Theo Lindsay Notwell, Phó chủ tịch cấp cao về chiến lược 5G và hoạt động nhà mạng toàn cầu của Cradlepoint Inc., mạng di động 5G có 3 công nghệ gồm 5G băng tần thấp, 5G băng tần trung bình và 5G băng tần cao.
Mạng 5G băng tần thấp
Băng tần thấp là phổ 5G gần nhất với 4G và 4G LTE. Tuy vậy, không vì điều này mà nó không đáng giá. Notwell cho biết loại 5G này có thể di chuyển khoảng cách xa và khi kết hợp với tần số bằng tần trung bình cũng như băng tần cao thì nó sẽ nhanh hơn khoảng 10 lần tốc độ của 4G. Ủy ban truyền thông Liên bang Mỹ (FFC) cho rằng 5G băng tần thấp sẽ nằm trong dải tần số 600 GHz đến 900 GHz.
Tuy nhiên, về mặt lý thuyết thì 5G băng tần thấp không quá nhanh bởi băng tần càng thấp, tốc độ truyền càng giảm nhưng bù lại khả năng truyền sóng đi xa hơn. Notwell cho biết: ‘Dải tần thấp có những đặc điểm tuyệt vời, phạm vi tiếp cận, độ thâm nhập là rất lớn – nhưng nó không nhanh’.
Tại Mỹ, T-Mobile là đơn vị đầu tiên ‘đặt chân’ vào 5G băng tần thấp và sử dụng phổ tần 600MHz. Đây là điều khiến nhà mạng này đang dẫn đầu tại ‘xứ sở cờ hoa’ về phạm vi phủ sóng mạng 5G. Tuy nhiên, tốc độ của nó lại rất thấp, có khi thấp hơn cả 4G và cũng không hề ổn định.
Tại Việt Nam, cho đến hiện tại trong 2 nhà mạng được cấp phép thử nghiệm thương mại 5G là Viettel và Mobifone thì không đơn vị nào sử dụng 5G băng tần thấp.
Tháng 8/2020, Qualcomm công bố thực hiện thành công cuộc gọi dữ liệu 5G trên băng tần 700MHz cùng với nhà mạng China Broadcasting Network. Thử nghiệm này sử dụng thiết bị mô phỏng điện thoại thông minh 5G, hệ thống thu phát Snapdragon X55 5G Modem-RF System của Qualcomm và đạt tốc độ tải xuống đạt 300 Mbps.
Mạng 5G băng tần trung bình
5G băng tần trung bình là loại có phổ tần dưới 6GHz. FFC cho rằng 5G băng tần trung bình sẽ trải dài ở các băng tần 2,5 GHz; 3,5 GHz và 3,7 GHz đến 4,2 GHz. Theo Notwell, phổ tần 5G băng tần trung bình rộng gấp 5 lần so với phổ tần băng tần thấp.
Tuy nhiên, mặc dù 5G băng tần trung bình có thể chuyển tải dữ liệu nhanh nhưng nó không thể di chuyển xa như 5G băng tần thấp. Các tòa nhà, các vật thể rắn có thể ảnh hưởng đến nó. Tại Mỹ, T-Mobile đã sử dụng băng tần 2,5 GHz sau khi thâu tóm được Sprint vì Sprint đã sử dụng băng tần trung bình cho mạng 4G của mình.
Theo các chuyên gia, 5G băng tần trung bình là loại đang được cả thế giới tập trung nghiên cứu bởi nó đáp ứng được yêu cầu phát triển băng thông tốc độ cao. Trong đó băng tần 3,5 GHz đóng vai trò rất quan trọng đối với sự phát triển của 5G, vì hệ sinh thái thiết bị 5G rất lớn và đã sẵn sàng.
Tại Việt Nam, theo giấy phép 458/GP-BTTTT ngày 21/10/2020, Bộ Thông tin và Truyền thông cho phép Tập đoàn Viettel được thử nghiệm 5G thương mại trên các băng tần 2.500-2.600MHz, 3.700-3.800MHz, 27.100-27.500MHz. Cùng với đó, theo giấy phép số 474/GP-BTTTT ngày 27/10/2020, Bộ Thông tin và Truyền thông cấp phép cho Mobifone thử nghiệm thương mại 5G tại Tp.HCM và sử dụng băng tần 2.600MHz. Như vậy, cả 2 nhà mạng được thử nghiệm 5G thương mại ở Việt Nam đều sử dụng băng tần trung bình.
Mạng 5G băng tần cao (băng tần mm hay sóng mm)
Mạng 5G băng tần cao hoàn toàn trái ngược với 5G băng tần thấp khi không thể di chuyển xa nhưng lại có tốc độ siêu nhanh. FCC cho rằng 5G băng tần cao sẽ bao gồm 24 GHz, 28 GHz, 37 GHz, 39 GHz và 47 GHz. Theo các chuyên gia, khu vực tần số cao rất quan trọng đối với ứng dụng internet tốc độ siêu cao.
Tại Mỹ, Verizon và AT&T đã cung cấp các dịch vụ mạng 5G với sóng MM, cung cấp lần lượt các băng tần 28 GHz và 39 GHz. Trong khi đó T-Mobile đang nghiên cứu việc cung cấp 5G băng tần cao.
Thách thức lớn nhất trong việc cung cấp 5G băng tần cao là khả năng di chuyển của nó rất kém. Ví dụ, ngay cả khi trời mưa to cũng có thể cản trở sóng MM. Notwell cho biết: ‘Do hạn chế về việc không thể di chuyển xa nên việc lắp đặt đúng cách sẽ rất quan trọng trong việc triển khai mạng 5G băng tần cao’.
Tại Việt Nam, theo Thông tư số 19/2020/TT-BTTTT thì dải băng tần 24,25 – 27,5GHz chính thức được quy hoạch cho hệ thống thông tin di động IMT của Việt Nam. Băng tần 24,25 – 27,5GHz sẽ được chia thành 8 khối theo phương thức truyền dẫn song công (phát một tần số, thu một tần số), mỗi khối rộng 400MHz. Hiện tại, Viettel đã được cấp phép thử nghiệm mạng 5G thương mại ở băng tần 27.100-27.500MHz.