Ép xung vẫn là một trong những cách hack thú vị nhất mà bạn có thể làm với chiếc máy tính tại nhà, nhưng không phải là thứ mà bạn có thể thực hiện ngay mà không cần tìm hiểu trước, dẫu nó dễ hơn trước đây.
Trong bài viết này, chúng tôi sẽ đề cập đến các bước thực hiện và những thông tin mà bạn cần biết để ép xung.
Vậy ép xung là gì?
Về cơ bản, “ép xung” (overclock) sẽ giúp CPU, trung tâm đầu não của máy tính gửi lệnh đến mọi thứ khác biết cần phải làm những gì, chạy nhanh hơn so với ban đầu.
Dù rằng định nghĩa đó không hoàn toàn đúng, bởi một số bộ xử lý không được mở khóa, đồng nghĩa rằng chúng không thể ép xung. Ví dụ, những bộ xử lý có thể ép xung của Intel sẽ có hậu tố “K” hoặc “X”. Trong khi đó, AMD lại cho phép bạn ép xung bất kỳ bộ xử lý nào của họ.
Việc ép xung đã trở nên dễ tiếp cận và đơn giản hơn trong những năm qua. Dẫu việc ép xung có thể đi kèm với những rủi ro, thế nhưng, miễn là thực hiện thật cẩn trọng và nghiên cứu kỹ lưỡng, bạn có thể giảm thiểu rủi ro đó xảy ra ở mức độ lớn. Nói cách khác, việc ép xung trong năm 2020 không cần phải có quá nhiều sự hiểu biết về công nghệ hay sự dũng cảm để thực hiện như cách đây vài năm.
Ép xung sẽ mang lại một số lợi ích: bạn sẽ có một chiếc máy tính nhanh hơn, mạnh mẽ hơn và hoàn toàn miễn phí. Mặt khác, CPU của bạn sẽ tiêu tốn nhiều năng lượng hơn và sinh nhiệt nhiều hơn. Điều này yêu cầu bạn phải sử dụng bộ tản nhiệt bằng chất lỏng hoặc ít nhất là cần đến một bộ làm mát khổng lồ. Nếu không có giải pháp tản nhiệt hợp lý, tuổi thọ của CPU sẽ bị rút ngắn và có thể làm hư hỏng những linh kiện khác có trong máy tính.
Bạn sẽ tự chịu trách nhiệm với việc ép xung. Khi thực hiện điều này, bạn gần như sẽ mất bảo hành. Dẫu vậy, đối với một số người, rủi ro đó hoàn toàn xứng đáng.
Bộ công cụ ép xung
Do tác động từ lượng nhiệt tỏa ra cũng như năng lượng tiêu tốn của ép xung, thế nên, nó thường được áp dụng cho những chiếc PC desktop Windows. Dẫu bạn có thể ép xung với những cỗ máy tất-cả-trong-một (AIO), laptop hay thậm chí là với Mac, thế nhưng, điều đó không hề được khuyến khích (và thường là không thể). Chúng có rất ít không gian để thực hiện và bạn thực sự cần phải hiểu rõ thiết bị của mình.
Tốc độ tổng thể của CPU được xác định bởi xung nhịp cơ bản, nhân với hệ số của nó, do đó, tăng hệ số nhân sẽ là cách đơn giản nhất để nâng cao hiệu năng cho con chip. Thông số này được gọi là hệ số nhân xung nhịp, hay là tỉ lệ bus/core. Nếu nhân tốc độ của xung nhịp bên ngoài với hệ số xung nhịp, bạn sẽ có được xung nhịp bên trong. Thế nên, một hệ thống có xung nhịp bên ngoài là 100MHz cùng hệ số xung nhịp 45x, xung nhịp CPU bên trong sẽ là 4,5GHz. Ép xung thông qua những thay đổi xung nhịp cơ bản sẽ mang đến nhiều tinh chỉnh hơn, nhưng cũng khó khăn và nguy hiểm hơn, bởi có thể tạo ra một số ảnh hưởng đối với phần còn lại của hệ thống. Ví dụ, nếu bạn thiết lập hệ số xung nhịp quá cao, chiếc máy tính của bạn có thể sẽ không khởi động được.
Điều chỉnh điện áp (voltage) cũng là một cách để ép xung. Nó sẽ bổ sung nhiều năng lượng hơn để hỗ trợ CPU chạy ở tốc độ cao. Giống như việc điều chỉnh xung nhịp cơ bản, điều này cũng sẽ có nhiều rủi ro, và thậm chí, nguy cơ gây thiệt hại vĩnh viễn cho phần cứng của bạn sẽ cao hơn.
Bên cạnh việc sở hữu một CPU mở khóa khả năng ép xung, bạn cũng phải cần đến một bo mạch chủ hỗ trợ điêu đó. Ngoài những thứ đó, bạn cũng cần bổ sung thêm một bộ tản nhiệt CPU “cực xịn”, bởi bộ làm mát gốc tặng kèm chỉ được thiết kế để tản lượng nhiệt tạo ra từ tốc độ ban đầu (thực tế, những CPU hỗ trợ ép xung của Intel lại không được tặng kèm bộ tản nhiệt). Bộ tản nhiệt bạn cần sẽ phụ thuộc vào bộ xử lý của bạn và mức độ “nặng” mà bạn muốn nó đạt được. Một bộ nguồn công suất lớn cũng có thể cần thiết, thế nên, trừ khi bạn đang “build” một hệ thống ngay từ đầy, hãy chuẩn bị đầy đủ mọi linh kiện thật tốt để ép xung chiếc máy tính của mình.
Quá trình ép xung được thực hiện dễ dàng hơn nhiều nhờ vào UEFI BIOS (hay Unified Extensible Firmware Interface Basic Input/Output System), vốn đang vận hành trên các PC hiện đại ở mức cơ bản nhất. Với “nền móng” Windows (hoặc Linux), thiết lập UEFI BIOS trên bo mạch chủ của máy tính sẽ cung cấp nhiều tùy chọn ép xung. Sau đó, nó sẽ kiểm tra tính ổn định của Windows cùng nhiệt độ CPU và thực hiện mọi điều chỉnh cần thiết.
Thực tế, phần mềm Extreme Tuning Utility của Intel hay Ryzen Master của AMD cho phép bạn có thể ép xung từ chính Windows, nếu không muốn (hoặc không thể) truy cập vào những tính năng ép xung mà bạn cần trong UEFI BIOS. Trong khi đó, các chương trình như Prime95 và Nzxt Cam có thể thử gây “áp lực” lên chiếc máy tính của bạn và sẽ thông báo cho bạn biết nếu mức ép xung hiện tại chưa phù hợp.
Những ứng dụng này đều sẽ hoạt động, bất kể bạn đang sử dụng CPU hay bo mạch chủ nào, miễn là chúng có hỗ trợ ép xung. Nếu muốn theo dõi nhiều hơn so với chỉ con số xung nhịp, HWMonitor Pro sẽ cung cấp cho bạn các chỉ số về nhiệt độ của tất cả những linh kiện, cũng như cho phép bạn theo dõi mức điện áp, tốc độ xung nhịp từng nhân và ghi lại hiệu năng.
Nếu đang dự định “build” một hệ thống mới ngay từ đầu, bạn sẽ có nhiều lựa hơn so với việc cố gắng ép xung hoặc tinh chỉnh một hệ thống hiện có, bởi bạn có thể mua những linh kiện được thiết kế riêng cho việc ép xung.
Bên cạnh đó, bạn cũng có thể ép xung GPU (Graphics Processing Unit: Đơn vị Xử lý Đồ họa) bên trong máy tính. Các phần mềm như MSI Afterburner và Asus GPU Tweak cung cấp cho bạn toàn quyền điều chỉnh mức độ nhanh của bộ xử lý bên trong card đồ họa. Bạn có thể nâng cả tốc độ bộ xử lý cũng như bộ nhớ và theo dõi sự thay đổi của nhiệt độ. Khi thay đổi không phù hợp, bạn sẽ thấy những trục trặc về độ họa hay thậm chí là hệ thống bị crash. Những tinh chỉnh này luôn được thực hiện trong Windows, trong khi việc ép xung CPU lại có thể được xử lý trên Windows hay UEFI BIOS, thế nên, chúng sẽ dễ dàng quản lý hơn một chút.
Tìm kiếm sự giúp đỡ
Với vô số CPU, GPU, bo mạch chủ và những thiết lập hệ thống ngoài kia, bạn sẽ cần phải nghiên cứu kỹ càng trước khi bắt đầu. Điều đầu tiên là hãy chọn những CPU và GPU hợp lý để ép xung.
Tin mừng đối với những overclocker mới nhập môn: có rất nhiều tài nguyên trên web để dẫn dắt bạn đi đúng hướng. Cộng đồng ép xung rất thân thiện và là những người hiểu biết. Hơn nữa, có rất nhiều trang cũng như diễn đàn phần cứng để bạn tìm hiểu về việc ép xung CPU và GPU một cách an toàn. Bạn cũng có thể tìm thấy rất nhiều lời khuyên tuyệt vời về các công cụ phần mềm, bên cạnh những phần mềm đã đề cập bên trên.
Hãy tìm kiếm các lời khuyên từ những người sử dụng linh kiện giống bạn, bất cứ khi nào có thể và kiểm tra những thiết lập mà họ đã thực hiện.
Diễn đàn Linus Tech Tips, Tom’s Hardware hay sub-Reddit r/overclocking là những nơi tuyệt vời để bạn tìm kiếm hướng đi cũng như các gợi ý, mẹo.
Các phần mềm đi kèm GPU, CPU và bo mạch chủ thường rất đa dạng, những tùy chọn ép xung cũng vậy. Thế nhưng, các công cụ này thường đi kèm với rất nhiều tài liệu để bạn tìm ra những gì cần thực hiện. Quy trình sẽ dễ dàng hơn (và đắt tiền hơn) nếu bạn đang “build” một chiếc PC mới, bởi bạn có thể chọn những linh kiện có khả năng ép xung cùng các tính năng ép xung. Nếu đang cố gắng tăng thêm hiệu năng cho cỗ máy hiện tại, các tùy chọn của bạn sẽ bị hạn chế hơn.