Ép xung (hay Overclocking) là quá trình tăng xung nhịp, tốc độ của các linh kiện máy tính như RAM, tần số quét màn hình, nhưng thường là CPU hoặc GPU, để đạt hiệu năng cao hơn mức mặc định mà nhà sản xuất thiết lập.
Khi ép xung, các thành phần sẽ hoạt động ở tốc độ cao hơn, tiêu thụ nhiều điện năng hơn, xử lý các tác vụ nhanh hơn và nâng cao khả năng đáp ứng của hệ thống. Trong bài viết này, ta chỉ đề cập đến việc ép xung CPU – Bộ vi xử lý.
Hiện nay các CPU cho máy tính cá nhân phổ biến chủ yếu được sản xuất bởi Intel và AMD, để ép xung được thì cả CPU và bo mạch chủ đều phải là loại cho phép xung, ngoài ra ta cần bộ tản nhiệt tốt và bộ nguồn ổn định.
Việc ép xung trước đây là khá phổ biến, đó không chỉ là nhu cầu tăng thêm hiệu năng mà còn là sở thích của những người yêu công nghệ. Ai sở hữu máy tính mà chẳng muốn cỗ máy của mình là mạnh nhất có thể? Bằng kiến thức và kinh nghiệm có thể khiến cho hiệu năng tăng lên, vừa mạnh vừa rất “ngầu”.
Nhưng hiện nay, khái niệm ép xung đã gần như biến mất, ép xung chỉ nhằm mục đích như quảng cáo, trình diễn chứ không còn có ý nghĩa sử dụng thực tế nữa. Dưới đây là những lý do mà Tân Doanh nghĩ là nguyên nhân khiến việc ép xung CPU cho việc sử dụng hằng ngày biến mất
- Các CPU hiện nay đều đã rất mạnh: các CPU hiện nay đều có mức xung nhịp cao, hầu hết các CPU cao cấp đều có mức xung nhịp trên 5GHz, đây là mức xung nhịp có khả năng đáp ứng hầu như toàn bộ nhu cầu của người dùng cá nhân hiện tại.
- Quá khó để thực hiện: các CPU ngày càng có nhiều nhân xử lý, càng nhiều nhân thì càng khó đẩy xung lên được. Ta có thể hiểu đơn giản như một lớp học có ít học sinh hơn thì sẽ dễ quản lý và đào tạo học sinh hơn. Ngoài ra nhiều nhân sẽ dẫn đến nhiệt độ cao, nếu như không có bộ tản nhiệt đủ tốt thì sẽ không thể hoạt động hằng ngày lâu dài được.
- Độ ổn định: Một trong những yếu tố để quyết định việc ép xung có thành công hay không là độ ổn định. Nếu như là trình diễn, thì không cần tính ổn định, nhưng nếu đã có mục đích là sử dụng thì cần phải có sự ổn định để tránh gây ra hư hỏng hoặc khó chịu cho người sử dụng.
- Quá đắt đỏ: Điều kiện cần để có thể thực hiện ép xung là phải có bo mạch chủ, CPU hỗ trợ ép xung và tản nhiệt đủ tốt, các bo mạch chủ và CPU hiện nay có giá thành khá cao so với lúc trước, cộng thêm với việc phải đầu tư cho 1 bộ tản nhiệt đủ tốt thì mới có thể ép xung cho sử dụng hằng ngày. Điều này dẫn đế cho phí sẽ đội lên nhiều.
- Hiệu năng mang lại không tương xứng: Với lý do ở trên, ta biết điều kiện cần để ép xung khá đắt đỏ. Tuy vậy nhưng hiệu năng mang lại lại không tương xứng, Các CPU Lúc trước có xung nhịp chỉ vào khoảng 2-3GHz, và có thể ép xung lên 4-5GHz (nếu bạn đủ tiền, kiến thức và may mắn), tức là hiệu năng có thể tăng lên từ gấp rưỡi đến gấp đôi, nhưng hiện tại, Hiệu năng mang lại khi ép xung là rất nhỏ, lấy ví dụ như CPU 13700K với mức xung P-core tối đa vào khoảng 5.3GHz có thể ép xung lên tới 5.6- 5.7GHz, tức là tăng lên chưa đến 10%, trong khi chi phí lại tăng lên. Điều này làm nhiều người cảm thấy không đáng để tìm hiểu và áp dụng vào cho bộ máy tính của mình dùng hằng ngày.