Dù thiếu vắng một số công ty lớn, triển lãm điện tử CES 2022 vẫn chứng kiến nhiều thiết bị công nghệ đột phá lẫn kỳ lạ.
Tại CES 2022, BMW trình diễn mẫu xe BMW iX Flow với khả năng đổi màu ngoại thất. Thay vì phát triển loại sơn mới, BMW áp dụng mực điện tử (E Ink), công nghệ được sử dụng trên nhiều loại máy đọc sách. E Ink giúp vỏ ngoài của xe chuyển từ màu trắng sang xám hoặc đen, giúp người lái tùy chọn màu ngoại thất theo tâm trạng, thời tiết hay trang phục. Dù vậy, BMW E Ink chỉ dừng lại ở mức thử nghiệm phục vụ nghiên cứu. Hãng xe Đức chưa có kế hoạch trang bị tính năng này cho sản phẩm thương mại. Ảnh: BMW.
Asus ZenBook 17 Fold OLED là mẫu máy tính màn hình gập với nhiều chế độ sử dụng. Ở tư thế phẳng, thiết bị có thể dùng như tablet với màn hình OLED 17,3 inch (độ phân giải 2.560 x 1.920 pixel) hoặc trở thành máy tính all-in-one nếu kết nối với bàn phím đi kèm. Khi gập thành góc 90 độ, thiết bị có thể dùng như laptop với kích thước 12,5 inch, nửa màn hình còn lại dùng để hiện phím ảo hoặc gắn bàn phím cứng. Giá bán của máy chưa được tiết lộ. Ảnh: LiTT.
Samsung Freestyle là mẫu máy chiếu di động với kiểu dáng độc đáo, khối lượng 830 g. Thiết bị có thể chiếu hình ảnh lên bàn, sàn nhà, tường hoặc trần nhà với kích thước 30-100 inch, độ phân giải Full HD mà không cần màn chiếu. Sản phẩm hỗ trợ cấp nguồn bằng pin dự phòng qua cổng USB-C, cài sẵn hệ điều hành với nhiều dịch vụ xem video trực tuyến, hỗ trợ kết nối không dây với smartphone iOS hoặc Android. Theo Gizmodo, giá bán của Samsung Freestyle tại Mỹ là 900 USD. Ảnh: Samsung.
Một trong những thiết bị thu hút nhiều chú ý tại CES 2022 là Sony A95K, TV với tấm nền QD-OLED đầu tiên trên thế giới. Công nghệ này kết hợp các ưu điểm của tấm nền OLED như độ sáng cao, độ tương phản rộng, màu đen sâu với chấm lượng tử (quantum dot) cho khả năng tái tạo màu sắc tốt hơn. Do giới hạn công nghệ, dòng TV QD-OLED hiện nay của Sony chỉ có 2 kích thước 55 inch và 65 inch, giá bán chưa được công bố. Ảnh: Sony.
TP-Link Archer AXE200 Omni là mẫu router hỗ trợ chuẩn Wi-Fi 6E với băng tần 6 GHz, băng thông gấp 4 lần giúp các thiết bị như router, smartphone, tablet… kết nối và giao tiếp ổn định hơn. Băng thông cao còn đáp ứng việc truy cập nhiều thiết bị để chơi game, xem phim 4K hay 8K cùng lúc. Router mới của TP-Link tích hợp 4 ăng-ten, có thể tự theo dõi và điều chỉnh vị trí dựa trên hướng thiết bị kết nối. Ảnh: TP-Link.
Sony Vision-S 02 là ý tưởng xe điện mới của công ty Nhật Bản. Bên trong xe trang bị 3 màn hình cho hệ thống điều khiển và giải trí, hỗ trợ ra lệnh bằng giọng nói, dàn loa độc lập cho mỗi ghế. Mẫu xe này trang bị 2 động cơ điện, mỗi động cơ có công suất khoảng 200 kW. Thiết bị hỗ trợ tự lái cấp độ 2+ với các tính năng như phanh tự động, dừng/di chuyển theo xe phía trước khi có đèn đỏ hoặc tắc đường, đỗ xe tự động… Ảnh: Sony.
Razer Project Sophia là ý tưởng bàn làm việc với dàn PC đầy đủ bên dưới, mặt bàn là những khu vực dùng để gắn màn hình, đế sạc không dây hoặc phụ kiện. Razer nổi tiếng khi từng mang những ý tưởng táo bạo đến CES, ví dụ như Project Christine (máy tính có thể thay linh kiện dễ dàng) năm 2014, Project Valerie (laptop với 2 màn hình phụ kéo từ 2 bên) năm 2017 hay Project Brooklyn (ghế chơi game tích hợp màn hình 4D) năm 2021. Tuy nhiên, những ý tưởng trên chưa bao giờ được thương mại hóa. Ảnh: Razer.
Asus ROG Flow Z13 được ví như “Surface Pro phiên bản chơi game” khi vừa có thiết kế mỏng nhẹ giống tablet, vừa trang bị cấu hình mạnh mẽ như laptop chơi game với màn hình 13,4 inch, CPU Intel Core i9-12900H, GPU NVIDIA RTX 3050 Ti. Với cổng PCIe 3.0 x8, người dùng có thể kết nối ROG Flow Z13 với eGPU XG Mobile, tăng sức mạnh chơi game với tùy chọn RTX 3080 bản cho laptop hoặc AMD Radeon RX 6850M XT. Thiết bị dự kiến bán ra trong quý I hoặc quý II năm nay với giá chưa được công bố. Ảnh: Engadget.
Samsung Odyssey Ark là mẫu màn hình kích thước 55 inch, tỷ lệ 16:9. Với chân đế linh hoạt, người dùng có thể chỉnh độ cao, xoay màn hình sang chế độ dọc. Thiết bị hỗ trợ nút không dây để chỉnh các thông số cơ bản. Với tính năng Multi View, Odyssey Ark có thể hiện nhiều nội dung từ các nguồn phát với độ phân giải khác nhau, cùng công nghệ chấm lượng tử và Mini LED hứa hẹn cho chất lượng hình ảnh cao. Ảnh: Samsung.
Alienware AW3423DW là một trong những màn hình máy tính QD-OLED đầu tiên được giới thiệu. Màn hình này có kích thước 34 inch, độ phân giải 3.440 x 1.400 pixel, tần số quét 175 Hz, thời gian phản hồi 0,1 ms, hỗ trợ 99,3% dải màu DCI-P3. Samsung cũng giới thiệu màn hình Odyssey G8QNB với tấm nền QD-OLED. Do đó, danh hiệu “đầu tiên” có thể dành cho thiết bị bán ra sớm hơn. Ảnh: Alienware.
Schlage Encode Plus là hệ thống khóa thông minh đầu tiên tương thích với Home Key. Đây là tính năng mới của Apple trên iOS 15, cho phép mở cửa nhà bằng cách chạm iPhone, Apple Watch lên ổ khóa. Để tăng cường bảo mật, Home Key còn cho phép mở khóa bằng Face ID, Touch ID hoặc mật khẩu. Với tính năng Power Reserve, iPhone vẫn có thể mở khóa nhà trong 5 tiếng sau khi tắt nguồn do hết pin. Ảnh: Schlage.
Tại CES 2022, Intel đã giới thiệu dòng CPU thế hệ thứ 12, tự tin cho biết đây là “bộ xử lý di động nhanh nhất”. Hãng tập trung vào mẫu Core i9-12900HK với xung nhịp 5 GHz, khẳng định chạy nhanh hơn AMD Ryzen 5900HX và Apple M1 Max. Theo Intel, dòng CPU mới cho hiệu năng chơi game cao hơn 28%, và 44% với một số ứng dụng văn phòng. CPU Intel thế hệ 12 còn hỗ trợ nhiều công nghệ như RAM DDR5, PCIe 4.0, Wi-Fi 6E và Thunderbolt 4. Ảnh: Intel.
Token không thể thay thế (NFT) trở thành xu hướng mới trong năm 2021. Tại CES 2022, Samsung thông báo sẽ tích hợp NFT trên dòng TV thông minh vừa ra mắt. Người dùng có thể mua, bán và hiển thị tác phẩm NFT trên TV Samsung. Nền tảng giao dịch của hãng giúp xem trước tranh cũng như “truy xuất nơi lưu trữ, xem ai từng sở hữu tác phẩm nhờ blockchain”. Công ty Hàn Quốc cho biết “đây là dòng TV đầu tiên trên thế giới hỗ trợ blockchain và liên kết với các sàn giao dịch NFT”. Ảnh: Samsung.