Tuyến cáp quang APG gặp sự cố lần thứ 4 trong năm 2021 vào ngày 13/12, làm ảnh hưởng tới kết nối Internet đi quốc tế tại Việt Nam. Thời gian khắc phục xong sự cố đã được lùi sang ngày 22/2, thay vì hoàn thành vào ngày 6/2 như kế hoạch trước đó.
Cụ thể, sự cố trên tuyến APG sẽ được sửa từ ngày 17/2 đến 22/2/2022. Như vậy, phải đến gần nửa tháng nữa dung lượng trên toàn tuyến cáp APG mới khôi phục hoàn toàn.
APG là 1 trong 5 tuyến cáp chính kết nối Internet từ Việt Nam đi quốc tế nên sự cố này gây ảnh hưởng tương đối lớn đến kết nối Internet từ Việt Nam đi quốc tế trên tuyến. Sự cố trên tuyến cáp APG khiến các nhà mạng bị mất khoảng 1TB lưu lượng.
Bên cạnh tuyến cáp APG, thì một tuyến cáp quang biển khác cũng đang gặp sự cố là Asia America Gateway (AAG) trên nhánh cáp S1I hướng kết nối đi Hong Kong (Trung Quốc) với 3 điểm lỗi.
Lịch sửa chữa các lỗi trên nhánh S1I của tuyến cáp quang biển AAG bị lùi lại và sẽ diễn ra từ ngày 25/2 đến 12/3/2022 thay vì vào giữa tháng 12-2021 như trước. Tuyến cáp AAG gặp sự cố vào tối 22/10/2021 gây mất toàn bộ lưu lượng từ Việt Nam đi quốc tế trên tuyến.
Như vậy, phải đến giữa tháng 3, Internet Việt Nam đi quốc tế mới trở lại bình thường.
Trong 5 năm gần đây, việc cáp quang biển đi đứt diễn ra khá thường xuyên ảnh hưởng lớn tới tốc độ và chất lượng truy cập Internet tại Việt Nam. Tại sự kiện Ngày Internet Việt Nam 2021 mới diễn ra, đại diện của Viettel Networks các tuyến cáp quang biển Việt Nam ra khu vực bị đứt trung bình 10 lần mỗi năm, mỗi lần trục trặc kéo dài một tháng.
Việc các tuyến cáp quang liên tục gặp sự cố đã và đang ảnh hưởng trực tiếp đến tốc độ truy cập Internet quốc tế của người dùng Việt Nam.
Giải pháp lâu dài để tránh bị ảnh hưởng đến chất lượng dịch vụ cung cấp cho người dùng là tập trung phát triển Internet trong nước.
Ngày 3/6/2020, Thủ tướng đã ký Quyết định 749 phê duyệt “Chương trình Chuyển đổi số quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030”. Một trong những nội dung quan trọng của chương trình là mở rộng kết nối Internet trong nước thông qua các kết nối trực tiếp ngang hàng, kết nối tới trạm trung chuyển Internet (IXP), tới trạm trung chuyển Internet quốc gia VNIX.