Một lỗi mới của Google gây ảnh hưởng đến 15 triệu người dùng Windows trước khi được xử lý, chưa kể ngay trước đó chính Microsoft cũng gây ra một sự cố nhỏ.
Tháng 7 vừa rồi có lẽ là một trong những tháng “thảm họa” nhất đối với Microsoft nói chung và người dùng hệ điều hành Windows nói riêng. Sự cố Crowdstrike ước tính ảnh hưởng tới 8,5 triệu thiết bị còn chưa kịp qua đi, thì người dùng Windows lại trải qua 2 “kiếp nạn” liên tiếp do Microsoft và Google gây ra.
Cụ thể, hôm 24/7 vừa qua, chỉ 5 ngày sau thảm họa Crowdstrike gây thiệt hại hàng tỷ USD, bản cập nhật bảo mật của Microsoft cho chính Windows buộc PC – Máy tính cá nhân của người dùng vào trạng thái phục hồi với Màn hình xanh quen thuộc và yêu cầu nhập mã BitLocker.
Chính Microsoft đã cảnh báo người dùng về khả năng này thông qua thông báo trên trang hỗ trợ. Bản cập nhật ảnh hưởng đến tất cả các phiên bản hiện tại của Windows 10 và Windows 11, cũng như các bản cài đặt Windows Server từ năm 2008.
Microsoft cho biết nếu người dùng đang sử dụng và biết mã BitLocker thì sẽ không có vấn đề gì; chỉ cần nhập mã và máy tính sẽ khởi động bình thường. Tuy nhiên, nếu người dùng không biết mã BitLocker, họ phải đăng nhập và tự tìm kiếm trên cổng thông tin trực tuyến của Windows.
Tất nhiên, sự cố này vẫn chỉ là hạt cát so với hậu quả mà Crowdstrike gây ra, nhất là khi số lượng người dùng BitLocker chỉ chiếm một phần nhỏ trong tổng số người dùng Windows.
Nhưng tháng 7 chưa tha cho Windows. Khoảng 15 triệu người dùng hệ điều hành này không thể truy cập vào password họ đã lưu trên Google Chrome suốt 18 giờ từ ngày 24 đến ngày 25/7.
Vấn đề cụ thể ảnh hưởng đến người dùng Windows nằm ở trình quản lý mật khẩu Google Password Manager. Mọi chuyện càng tồi tệ khi Chrome có khoảng 3,45 tỷ người dùng toàn cầu. Ít nhất là ở phiên bản M127 của trình duyệt Chrome trên Windows, người dùng đã không thể truy cập mật khẩu đã lưu trước đó và khiến mật khẩu mới hoàn toàn không thể hiển thị. Mặc dù lỗi chỉ giới hạn ở bản cập nhật cụ thể này, nhưng ước tính 15 triệu người dùng vẫn phải “chịu trận”.
Vào thời điểm đó, đã có một giải pháp thay thế, nhưng không phải người dùng nào cũng dễ dàng tiếp cận được do yêu cầu sử dụng giao diện dòng lệnh (command line). Sự cố này, hiện đã được khắc phục, nhưng phải mất tới 18 giờ. Google đã phải gửi lời xin lỗi chính thức đến khách hàng.