WiFi – loại kết nối mạng không dây đã trở thành một phần không thể thiếu trong cuộc sống hàng ngày. Nhưng có bao giờ bạn thắc mắc WiFi là gì? Cần những thông tin cơ bản nào khi sử dụng WiFi? Chúng ta cùng tìm hiểu qua bài viết này nhé!
-
Mạng wifi là gì?
Wi-Fi, viết tắt của Wireless Fidelity, hiểu đơn giản là một công nghệ mạng không dây cho phép các thiết bị điện tử như máy tính, điện thoại thông minh, máy tính bảng, tivi… kết nối với internet thông qua sóng vô tuyến.
Theo Bách khoa toàn thư điện tử Wikipedia, “WiFi (hay Wi-Fi) là một tiêu chuẩn mạng cục bộ (LAN) không dây. WiFi là một phần của tiêu chuẩn kỹ thuật IEEE 802.11, được sử dụng để giao tiếp giữa các thiết bị với nhau, và với hệ thống mạng”
Tương tự như Bluetooth và mạng di động, WiFi là một loại sóng vô tuyến được sử dụng làm phương thức giao tiếp giữa các thiết bị trong phạm vi nhất định như nhà ở, trong các trung tâm thương mại, văn phòng làm việc… Có thể nói, WiFi là phương thức truyền thông tin rẻ và nhanh nhất trong phạm vi nhỏ và cho phép người dùng sử dụng Internet mà không cần dây cáp.
-
Cấu tạo của một hệ thống mạng Wifi không dây
Một hệ thống mạng không dây thường bao gồm các thiết bị sau đây:
* Router (bộ định tuyến): Đây là thiết bị quan trọng nhất trong hệ thống mạng wifi. Router có nhiệm vụ kết nối mạng wifi với mạng internet. Nó thu nhận tín hiệu từ nhà cung cấp dịch vụ internet (ISP) và phân phối nó cho các thiết bị kết nối trong mạng nội bộ, chịu trách nhiệm điều khiển và quản lý các thiết bị kết nối, cung cấp bảo mật và quản lý băng thông.
* Access Point (AP): là thiết bị phát sóng wifi, còn được gọi là điểm truy cập. Access Point nhận tín hiệu từ router và phát sóng wifi trong một khu vực cụ thể. Nó cho phép các thiết bị khác kết nối và truy cập vào mạng wifi. Trong các mạng lớn, có thể có nhiều Access Point được triển khai để mở rộng vùng phủ sóng wifi.
* Thiết bị kết nối: Đây là các thiết bị như máy tính, điện thoại di động, máy tính bảng, máy in, camera IP và các thiết bị thông minh khác có khả năng kết nối với mạng wifi. Chúng sử dụng card mạng không dây để nhận sóng wifi từ Access Point và gửi/nhận dữ liệu trong mạng.
* Cáp mạng: Mặc dù mạng wifi không dây loại bỏ cần thiết dùng cáp mạng truyền thống, nhưng cáp mạng vẫn cần thiết cho việc kết nối các thiết bị như router và Access Point với mạng nội bộ hoặc mạng internet.
Cấu tạo của hệ thống mạng wifi không dây có thể thay đổi tùy thuộc vào quy cách triển khai và quy mô của mạng. Tuy nhiên những thiết bị như router, access point… là những thành phần chính của một hệ thống mạng wifi không dây.
-
Cách thức hoạt động của WiFi
Kết nối không dây về cơ bản là một dạng giao tiếp hai chiều giữa bộ định tuyến (router) và thiết bị khách hàng (client device). Cả hai đều được trang bị bộ phát và thu sóng radio để giao tiếp với nhau bằng cách gửi tín hiệu qua tần số radio (2.4 GHz hoặc 5 GHz).
Thông thường, bộ phát WiFi được kết nối vật lý với ổ cắm Ethernet hoặc modem DSL/Cable/Satellite qua cáp mạng để truy cập internet. Sau đó, nó phát sóng tên WiFi (SSID) của mình đến các thiết bị xung quanh. Khi một thiết bị muốn tham gia mạng không dây, nó sẽ gửi tín hiệu để thông báo cho bộ định tuyến. Khi bộ định tuyến nhận được và chấp nhận yêu cầu, kết nối sẽ được thiết lập.
-
Một số thuật ngữ cơ bản liên quan đến WiFi
Tên Tiếng Anh | Tên Tiếng Việt | Giải nghĩa |
Modem WiFi/ Router WiFi | Bộ phát WiFi | Là các thiết bị giúp người sử dụng giao tiếp với mạng lưới Internet thông qua sóng WiFi. |
Cục phát WiFi | ||
Bộ định tuyến WiFi | ||
Bands | Băng tần | Băng tần WiFi là dải tần số của WiFi dùng để thu, phát các tín hiệu liên lạc sử dụng công nghệ không dây, thường là 2.4 GHz hoặc 5 GHz. |
Channel | Kênh | Tương tự các kênh truyền hình khác nhau trên tivi, một băng tần sẽ sử dụng nhiều kênh truyền khác nhau để truyền tín hiệu vô tuyến. |
Channel Width | Độ rộng kênh | Độ rộng kênh thể hiện số lượng dữ liệu có thể truyền đi trong cùng một tốc độ nhất định. Độ rộng kênh càng lớn thể hiện WiFi có thể truyền càng nhiều dữ liệu và tốc độ truyền dữ liệu càng nhanh |
Data Rate | Tốc độ WiFi | Có đơn vị đo là Mbps (Megabit per second) – đây là tốc độ lý thuyết mà một điểm truy cập WiFi có thể cung cấp. |
WiFi Standard | Chuẩn WiFi | Do tổ chức công nghệ IEEE định nghĩa nên. Dùng để thống nhất một chuẩn chung cho nhiều giao thức kỹ thuật khác nhau, được sử dụng một hệ thống số để phân loại. |
WiFi Client/Wireless Client | Thiết bị kết nối với bộ phát WiFi | Là các thiết bị kết nối với bộ phát WiFi (bao gồm Router hoặc Access Point) trong hệ thống mạng không dây. WiFi Client có thể là máy tính PC, laptop, smartphone, tivi… kết nối với Internet qua hệ thống WiFi, các thiết bị smarthome kết nối không dây. |
WiFi Range | Phạm vi phát sóng | Phạm vi phát sóng là khu vực không gian thiết bị phát sóng có thể truyền WiFi tới. |
-
Ưu/nhược điểm của mạng wifi không dây so với mạng có dây
* Ưu điểm:
– Người sử dụng có thể dễ dàng thiết lập kết nối khi có mật khẩu
– Có thể sử dụng để kết nối cho nhiều thiết bị khác nhau một cách dễ dàng
– Không cần phải sử dụng dây cáp đi khắp nơi
– Kết nối được duy trì kể cả khi bạn đang di chuyển
– Có thể mở rộng phạm vi sóng wifi thông qua việc sử dụng các Access Point hoặc bộ mở rộng sóng wifi.
* Nhược điểm:
– Phạm vi kết nối có giới hạn, chỉ cần ra khỏi vùng phủ sóng bạn sẽ bị ngắt kết nối ngay lập tức
– Không an toàn nếu bảo mật không được thiết lập đúng cách
– Dễ bị hack nếu đặt mật khẩu yếu, dễ đoán
– Càng nhiều người kết nối thì tốc độ truy cập càng giảm rõ rệt
– Có thể bị ảnh hưởng bởi các tác động từ môi trường xung quanh như tường, cửa, vật liệu xây dựng, thiết bị điện tử khác và tần số sóng radio từ các nguồn khác
-
Các chuẩn kết nối Wifi hiện nay
Wi-Fi 1 (IEEE 802.11): Ra đời vào năm 1997. Hỗ trợ tốc độ kết nối tối đa 2 Mbps, hoạt động trên băng tần 2.4 GHz.
Wi-Fi 2 (IEEE 802.11a và IEEE 802.11b): Cùng ra đời vào năm 1999. Trong đó, IEEE 802.11b có tốc độ kết nối 1 – 11 Mbps, hoạt động trên băng tần 2.4 GHz. IEEE 802.11a có tốc độ kết nối 1- 54 Mbps, hoạt động trên băng tần 5 GHz.
Wi-Fi 3 (IEEE 802.11g): Ra đời năm 2003. Tốc độ kết nối 3 – 54 Mbps, hoạt động trên băng tần 2.4 GHz.
Wi-Fi 4 (IEEE 802.11n): Ra đời năm 2009. Tốc độ kết nối 72 – 600 Mbps, hoạt động trên băng tần 2.4 GHz và 5 GHz.
Wi-Fi 5 (IEEE 802.11ac): Ra đời năm 2013. Tốc độ kết nối tối đa là 1.730 Mbps, bổ sung hỗ trợ MU-MIMO và hoạt động trên băng tần 5 GHz.
Wi-Fi 6 (IEEE 802.11ax): Băng thông mạng đạt tối đa 9.6 Gbps theo lý thuyết (cải thiện khoảng 30% so với tiêu chuẩn ac), đồng thời nâng cấp MU-MIMO.
Wi-Fi 7 (IEEE 802.11be): Chuẩn wifi thế hệ thứ 7, hỗ trợ tăng băng thông lên đến 30 – 40 Gbps. Hoạt động trên băng tần 6GHz. 2024 được dự đoán là năm các thiết bị hỗ trợ kết nối Wi-Fi 7 trở nên phổ biến sau khi chuẩn kết nối này được chứng nhận.
-
Những hệ thống mạng Wifi phổ biến hiện nay
* Hệ thống wifi truyền thống
Đây là hệ thống wifi đơn giản, sử dụng một Access Point duy nhất để phát sóng wifi trong một khu vực nhất định. Thích hợp cho các môi trường nhỏ, ví dụ như gia đình, văn phòng nhỏ hoặc quán cà phê nhỏ.
* Hệ thống wifi mesh
Hệ thống wifi mesh sử dụng nhiều điểm truy cập (Access Point) hoạt động cùng nhau để mở rộng phạm vi sóng wifi và cải thiện khả năng kết nối. Các điểm truy cập kết nối với nhau thông qua mạng mesh, tạo một mạng wifi liền mạch. Hệ thống wifi mesh phù hợp với nhu cầu sử dụng của các gia đình cũng như doanh nghiệp nhỏ, nơi sóng wifi không thể phủ toàn bộ một cách hiệu quả bằng một Access Point duy nhất.
* Hệ thống wifi marketing
Hệ thống wifi marketing kết hợp giữa việc cung cấp dịch vụ wifi và marketing. Người dùng truy cập vào mạng wifi bằng cách cung cấp thông tin cá nhân hoặc qua xác thực xã hội và sau đó nhận được các thông điệp tiếp thị hoặc quảng cáo từ chủ sở hữu mạng wifi. Hệ thống wifi marketing thường được sử dụng trong các môi trường thương mại như cửa hàng, siêu thị, nhà hàng hoặc trung tâm thương mại.
* Hệ thống wifi roaming – chuyển vùng
Hệ thống wifi roaming cho phép các thiết bị di động tự động chuyển đổi giữa các điểm truy cập wifi mà không bị gián đoạn kết nối. Điều này đảm bảo rằng người dùng có thể duy trì kết nối ổn định và liên tục khi di chuyển trong khu vực phủ sóng wifi. Hệ thống wifi roaming thích hợp cho các môi trường đòi hỏi di chuyển nhanh như sân bay, khách sạn, bệnh viện hoặc trung tâm thương mại.