Giá chip nhớ DRAM và bộ nhớ flash NAND trên thị trường giao ngay đã tăng đáng kể, nguyên nhân đến từ hành động cắt giảm sản xuất để tránh dư cung mà các nhà sản xuất thực hiện trong thời gian qua.
Tình trạng dư cung chip nhớ DRAM và NAND trong thời gian qua được xem là khủng hoảng thực sự cho các nhà sản xuất, khiến lợi nhuận của quá trình sản xuất sụt giảm mạnh và dấy lên lo ngại về khả năng phá sản của toàn ngành. Nhưng giờ đây, việc siết chặt hoạt động sản xuất giúp tăng giá chip nhớ đã giúp các công ty như Samsung hay Micron trở nên tự tin hơn.
Dữ liệu từ các nhà phân tích của DRAMeXchange cho thấy giá giao ngay chip nhớ DRAM và NAND đã tăng trong những tháng gần đây. Giá chip giảm vào năm 2022 và đầu năm 2023, nhưng chạm đáy vào tháng 7 và tháng 8 trước khi tăng đều đặn kể từ đó.
Mặc dù giá chip nhớ DRAM và NAND chưa quay trở lại mức đầu năm nhưng đã tăng đáng kể trong những tháng gần đây. Ví dụ, hai chip nhớ DDR4 có dung lượng 8 Gbit hiện có giá cao hơn 10% so với tháng 8. Đồng thời, giá thành của chip NAND 512 Gbit đã tăng gần gấp đôi kể từ tháng 7 và chip 256 Gbit tăng 55% trong cùng kỳ.
Lý do khiến giá chip nhớ giảm quá thấp hồi năm 2022 là do nền kinh tế toàn cầu đang suy thoái sau đại dịch Covid-19. Trong bối cảnh đó, nhu cầu giảm do người tiêu dùng cắt giảm chi phí dẫn đến tình trạng dư cung chip khiến giá giảm. Quý 3/2022 được đánh giá là quý khó khăn nhất khi doanh thu toàn cầu từ việc bán chip DRAM và NAND giảm lần lượt 30% và 24%. Điều này gây ra hậu quả nghiêm trọng cho các nhà sản xuất, trong đó lợi nhuận của Samsung gần như biến mất trong quý 1/2023, trong khi Micron lỗ hơn 2 tỉ USD.
Các công ty này sau đó giảm đáng kể việc sản xuất chip nhớ. Giờ đây, động thái này bắt đầu có tác động đáng kể đến nguồn cung khi giá thành chip nhớ tăng trở lại.